Còn tự kiếm được tiền là còn vui
Ông Quốc Linh, tài xế taxi: "Còn tự kiếm được tiền là còn vui". Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Người đàn ông bước vào quán phở với bộ quần áo lịch sự, nhã nhặn: “Lấy cho tui bò kho bánh mì, bò mềm thật mềm nha cô!..”.
Ngồi xuống chiếc ghế, thấy tôi và ông chủ quán nhìn cười cười, ông phân bua: “Già rồi, răng rụng hết phải lắp răng giả, bò không mềm là tui ăn đến sáng mai cũng chưa xong đâu!”.
Ông là Quốc Linh, năm nay ông đã 55 tuổi, là tài xế taxi Mai Linh. Chỉ ra chiếc xe đậu bên vệ đường ông bảo tranh thủ ăn để còn đi chở khách cho đủ doanh số. Ông gắn bó với nghề này đã được năm năm, Tết này ông và nhiều đồng nghiệp quyết định làm xuyên tết để có thêm đồng ra đồng vào.
“Chạy Tết thì được thưởng thêm 5% doanh thu. Khách quý thì bo thêm ít, mình cảm ơn còn không thì thôi, mình đâu đòi hỏi. Chú chuyên chở khách ở sân bay, bình thường phải xếp hàng đi vòng vòng đợi cả tiếng tiếng rưỡi mới đón được khách. Những ngày Tết này cứ vào là chạy. Từ trước Tết đến giờ chú vẫn làm việc bình thường, theo ca, không nghỉ ngày nào.
Buồn vui của nghề thì nhiều lắm. Hôm rồi có anh đồng nghiệp của chú bị cướp. Khách đi bar thiếu tiền rồi đẩy anh kia xuống, cướp taxi đó. Rồi hôm Tết dương lịch, chú chở một ông khách hết 26.000 đồng, ổng đưa 30.000 đồng. Chú tìm khắp người mà lúc đó trong người không còn 4.000 tiền lẻ nên có xin lỗi ông khách mong thông cảm, khách ở ngoài thì cứ sốt ruột giục đi. Ổng kia nhất định không chịu cứ giơ bốn ngón tay lên yêu cầu phải trả đủ, mình đưa luôn 10.000, vậy là ổng cầm ổng đi”, ông Linh kể.
Ăn xong, tôi gọi chị chủ quán tính tiền tính cả suất tôi và ông: “Con mời chú” nhưng ông xua tay bảo: “Tính một suất thôi, của ai người nấy trả. Chú còn tự kiếm tiền được, mà còn tự kiếm được tiền là còn vui”.
Tết nhà tôi tăng 5 ngàn/bát phở
Bát phở có gân bò và bò viên hôm nay tăng thêm 5.000 đồng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Tất bật thu dọn chén trên bàn, lau lại bàn ghế sau mỗi đợt khách ăn xong, chị Hà cho biết Tết năm nào gia đình chị cũng bán xuyên Tết, không nghỉ. Chị bảo, ngày Tết đông khách hơn vì đa phần nhiều người ngại nấu nướng và muốn ăn uống nhanh gọn nên cũng bán được tương đối. Những ngày này trung bình mỗi ngày gia đình chị bán được hơn trăm tô phở.
Chị tự hào chia sẻ gia đình chị mở quán phở này hơn 10 năm rồi. “Bình thường mình bán giá 30.000 đồng/bát phở. Hôm nay Tết thì tăng thêm 5.000 đồng là 35.000 đồng. Ngày tết, thịt bò tái lên giá nên mình mới lên chứ không mình lên làm gì. Khách biết mình tăng giá chứ, ăn quen rồi mà nhưng cũng vui vẻ vì Tết cái gì cũng tăng, và 5000 đồng cũng không đáng là bao. Hơn nữa, ngày Tết mình vẫn mở phục vụ họ nên họ cũng thông cảm. Em thấy ăn có ngon không, chủ yếu ngon là được rồi đúng không”, chị cười hỏi lại.
Chị kể chuyện Tết cứ đông khách đi ra đi vào là vui vì Tết thì vẫn phải ăn phải tiêu chứ.
Tranh thủ lúc khách ăn, chị Hà chơi với cháu. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đêm dần buông, các ngả đường của thành phố đã lên đèn rực rỡ. Người đi chơi, người đi mua sắm, người đi ăn. Chị Hà vẫn tất bật với tiệm phở bò, ông Linh vẫn miệt mài với những cuốc xe vội vã và rất nhiều người lao động khác vẫn quay tròn làm việc. Với họ Tết là dịp để có thêm nguồn thu nhập trang trải chi tiêu cho bản thân và gia đình.
Ừ thì vất vả thật, nhưng ngày nào còn tự kiếm được đồng tiền bằng bàn tay lao động của mình là còn sướng chán, đúng không?
Hôm nay là mồng 2 Tết!