Các ngư dân làng này đã viết nên câu chuyện dựng làng gần một thế kỷ hết sức ngoạn mục.
Những bậc cao niên của làng vẫn kể cho con cháu hoặc khách khứa phương xa rằng đi biển cái gì ngon nhất, tốt nhất phải dành bán kiếm gạo, người làng chỉ ăn những thứ nhỏ bé để tiết kiệm cho có đồng vốn từ bán con cá tốt hơn nhằm phục vụ sản xuất.
Ông Trần Xuân Thắng, Bí thư chi bộ thôn Thanh Hải, tâm sự: Cả một thời thiếu ăn vàng mắt, làng biển chẳng có ruộng vườn, không có đất trồng cây màu, chỉ trông chờ vào biển để có tiền mua gạo mà ăn. May cả làng ai cũng siêng năng, cần cù. Người lớn bảo thanh niên, thanh niên dìu trẻ nhỏ cùng làm việc. Đàn ông cố sức bám biển lâu hơn bình thường, đàn bà cố công gánh cá vượt cát đi bán cho làng ruộng.
Một góc làng biển Thanh Hải, một ngôi làng có năm công ty hậu cần nghề cá ở Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: MINH QUÊ
Ông Thắng nói nhờ siêng năng, cần cù mà làng thoát đói. Thoát được đói thì cả làng cùng họp lại bàn tính kế thoát nghèo bằng cách vay vốn làm tàu lớn hơn cho đàn ông vươn khơi. Ở nhà, phụ nữ không tính đường gánh cá đi bán mà liên kết thương lái để làm việc chuyên nghiệp hơn, làm con cá có giá hơn.
Nay làng có 205 hộ thì có 97 hộ giàu, 80 hộ khá, một hộ nghèo, còn lại là hộ trung bình. “Hộ nghèo của làng tui là bất khả kháng, sống đơn thân, già cả nên cả làng giúp đỡ, dựng nhà cửa kiên cố” - ông Thắng nói.
Ông Thắng kể xung quanh nghề biển, người làng còn làm hậu cần nghề cá để phát triển. Riêng khối chị em phụ nữ đã lập vốn hơn 20 tỉ đồng làm các kho xưởng đông lạnh, tạo việc làm cho làng và vùng khác với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Tổng giá trị hậu cần nghề cá có dòng vốn lưu chuyển trên dưới 200 tỉ đồng. Thu nhập bình quân mỗi hộ dân trung bình lên 150 triệu đồng/năm. “Trong làng có rất nhiều căn nhà trị giá hơn 3 tỉ đồng; nhà xây 1,7-2 tỉ đồng là chuyện bình thường. Hộ nghèo hoặc trung bình ở đây được xem là khá so với nhiều vùng khác” - ông Thắng tự hào.
Ngôi làng Thanh Hải có năm công ty hậu cần nghề cá, đấy là những doanh nghiệp làng được gầy dựng bởi bàn tay hiền từ, cần cù chịu thương chịu khó, thức đêm dậy sớm của cư dân trên miền cát trắng. Vậy nên ngôi làng có tuổi đời chưa đến trăm năm giờ đã giàu có, hùng mạnh, ngư dân được ở trong những căn nhà tiền tỉ mà họ vẫn tự hào nói đó là biệt phủ của cuộc đời.