​Làng đầu bếp

Nghề nấu ăn cũng cần lướt web để học cách chế biến món ăn phục vụ nhu cầu của thực khách - Ảnh: Đoàn Cường
Nghề nấu ăn cũng cần lướt web để học cách chế biến món ăn phục vụ nhu cầu của thực khách - Ảnh: Đoàn Cường

Điều thú vị là những đầu bếp nấu ăn ngon có tiếng của làng Đông Hòa (xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) này đều là nông dân chân lấm tay bùn.

Người mở đầu sự nghiệp nấu ăn

Đến Đông Hòa, những ngôi nhà khang trang đều là của những nông dân kiêm đầu bếp nấu ăn.

Hỏi thăm bà cụ bán tạp hóa bên đường nhờ chỉ giúp nhà của những đầu bếp, bà cười: “Tưởng chi chứ cái nớ đầy làng, mấy đứa ngoài đồng kia kìa, những ngôi nhà đẹp này là của tụi nó hết đó”.

Căn nhà hai tầng đẹp nhất nhì làng là của chị Mai Thị Tằm (dịch vụ nấu ăn Tằm). Chị Tằm được người dân làng Đông Hòa xem như người khai sinh ra nghề nấu ăn của làng.

Truyền thống gia đình chị vốn mấy đời làm nghề nông, đến chị Tằm hiện vẫn làm tám sào ruộng. Nhưng may mắn là chị được thừa hưởng “gen” nấu ăn ngon từ bà nội. Ngót 20 năm trước, chị mon men vào nghề nấu ăn cho các đám trong làng.

“Lúc đó, người làng làm đám cưới, thôi nôi, giỗ chạp... thấy mình nấu ăn được thì nhờ tới nấu giúp. Phải tự tay làm thịt gà, thịt heo nấu mỗi đám 10-15 mâm. Sau mỗi đám như vậy họ truyền tai nhau nên mình cũng được nhiều người biết đến, nhưng lúc ấy chỉ là nấu ăn giúp chứ chưa chuyên như bây giờ” - chị Tằm tâm sự.

Thấy nhu cầu của người dân ngày càng nhiều, chị Tằm nghĩ nếu chỉ dựa vào mấy món ăn quen thuộc sẽ chẳng ăn thua gì. Thế là chị “liều” bán một chỉ vàng lấy 500.000 đồng gửi vào TP.HCM mua sách dạy nấu ăn. Có sách, chị học nấu từng món cho gia đình ăn thử thấy ổn rồi đem ra áp dụng.

“Người nhà ăn thử thấy hợp vị, nhưng đi nấu cũng thất bại 1-2 đám, sách vở và thực tế nó xa nhau lắm” - chị Tằm cho biết.

Ban đầu, chị cùng 3-4 chị em khác thường nấu ăn thuê cho các đám tiệc ở xã Điện Thọ rồi các xã lân cận. Tiếng lành đồn xa chị bắt đầu vươn ra các huyện khác của tỉnh Quảng Nam. Khoảng bảy năm trước, sau khi ăn xong đám do chị Tằm nấu ở xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn), nhiều thực khách là người Đà Nẵng tìm đến xin số điện thoại.

Hai ngày sau thương hiệu của chị đã có mặt tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) để thầu nấu ăn cho một đám cưới gần 500 khách. Đến bây giờ thương hiệu “bà Tằm” có mặt nhiều hơn tại Đà Nẵng. 

Chỉ vào ngôi nhà xinh xắn, chị Tằm chia sẻ: “Ngôi nhà này xây hơn 300 triệu đồng đều từ nghề nấu ăn thuê của vợ chồng tôi mà có”. 

Nhà nông lướt web nấu ăn

Từ người mở đầu là chị Tằm, nhiều chị trong làng theo nhau học hỏi nên đến nay riêng làng Đông Hòa đã có đến 60 cơ sở dịch vụ nấu ăn.

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Vân (dịch vụ nấu ăn Vân) đúng lúc chị vừa đi thăm sào ruộng đang vào độ chín vàng chuẩn bị gặt. Sau khi thay ra bộ quần áo lấm lem nhà nông, chị vội dắt xe ra cổng, bảo: “Có cái đám cưới người ta hợp đồng đến nấu ăn nên chừ phải ra Đà Nẵng lấy thực phẩm liền”.

Chị Vân bảo đám này họ đòi hỏi cao với nhiều món cầu kỳ như giò bát trân, cá lóc hấp bầu, lươn rút xương... nên chị phải mở mạng lướt web tìm bí quyết chỉ dẫn. Nhìn hình ảnh người phụ nữ nông dân ngoài 40 tuổi ngồi lướt web tìm thông tin về món ăn thật đáng ngưỡng mộ.

Chị Vân nói rằng quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng giờ nhu cầu thực khách ngày càng cao nên phải tìm tòi thêm. “Tôi phải nhờ thằng con bày cách vô mạng, mất mấy ngày liền mới thạo đó” - chị thật thà nói.

Chị Vân chia sẻ: “Tôi đi làm thêm ở các đám, cũng bập bẹ nấu ăn, học nghề mất hơn tám năm rồi mới tự làm đầu bếp mở cơ sở dịch vụ nấu ăn của mình” . Vào những ngày mùa bận bịu, khi có người kêu đi nấu ăn, chị Vân phải gọi thêm 4-5 chị em khác tạm gác lại công việc đồng áng để nấu ăn cho các đám.

Chính sự phục vụ nhiệt tình, nấu ăn ngon có tiếng, gọi đâu có đó nên chị Vân được nhiều cơ quan nhà nước xem là mối ruột. Có một bệnh viện ở Đà Nẵng cứ vào đầu năm, cuối năm đều gọi chị đến nấu tiệc liên hoan cho hơn trăm nhân viên của mình.

Không chỉ ở đồng bằng xứ Quảng, mà đến tận biên giới Việt - Lào ở huyện Nam Giang, Tây Giang cũng biết đến tài năng nấu ăn của các bà nông dân tại làng Đông Hòa.

Chị Vân cho biết: “Hồi đầu năm, tôi nhận được điện thoại của người Cơ Tu ở Nam Giang mời lên nấu đám cưới, đồng bào họ quý quá cứ bắt tay cảm ơn miết”.

 

Nếu trước đây, mỗi lần chuẩn bị cho đám xa tôi phải dùng xe máy lọc cọc chở đồ đoàn thì giờ dịch vụ của tôi đã lên đời.

Nấu ăn bây giờ phải có hệ thống chứ không bột phát như xưa nên tôi sắm cả xe tải, có hẳn đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tươi sống, chỉ cần một cú điện thoại là mọi thứ sẽ được chở đến tận nơi.

Mỗi năm tôi phải in 20.000-30.000 name card để quảng bá thương hiệu.

Có năm chúng tôi nấu đám các loại cho tổng cộng hơn 10.000 người ăn

Anh Trần Phương (chồng chị Tằm)

Chuyên nghiệp hóa

Theo Hội Phụ nữ xã Điện Thọ, “cái nôi” của nghề nấu ăn của xã xuất phát từ làng Đông Hòa và do chị Mai Thị Tằm gây dựng nên. Từ làng Đông Hòa với 60 cơ sở dịch vụ nay lan ra cả xã Điện Thọ với 150 hộ làm dịch vụ nấu ăn, giải quyết việc làm cho 500 lao động.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Điện Thọ, cho biết: “Tất cả các chị làm dịch vụ này đều là nông dân chính hiệu. Tuy nhiên, các chị càng ngày làm càng chuyên nghiệp và có chứng chỉ hẳn hoi, từ chứng chỉ kỹ thuật chế biến món ăn, cho đến chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều lạ là cùng làm một nghề nấu ăn nhưng chẳng thấy họ cạnh tranh nhau bao giờ mà trái lại rất đoàn kết, thương nhau. Có cơ sở nhận một ngày mấy đám thì san sẻ ngay cho người khác hoặc kêu người của dịch vụ khác qua giúp đỡ cho mình”.

Theo ĐOÀN CƯỜNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm