Ngôi nhà “trăng khuyết” (kỳ 2)

Cùng là phận “gà mái nuôi con” nên các bà mẹ rất đồng cảm với nhau. Trong ảnh: các bà mẹ xúm vào hỏi han một thành viên trong Hội các bà mẹ đơn thân ở TP.HCM - Ảnh: Lê Vân
Cùng là phận “gà mái nuôi con” nên các bà mẹ rất đồng cảm với nhau. Trong ảnh: các bà mẹ xúm vào hỏi han một thành viên trong Hội các bà mẹ đơn thân ở TP.HCM - Ảnh: Lê Vân

Đó là tâm sự của bà mẹ có nickname “Stephani Vĩnh Ngọc” - một người đã âm thầm giúp đỡ nhiều mẹ đơn thân khó khăn trong suốt hai năm qua. Chị thuê nhà trọ ở Thủ Đức cho hai mẹ con mình và một số mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, sắp sinh tá túc chờ ngày vượt cạn.

Lời kêu cứu trên mạng

“Các mẹ ơi, em muốn làm việc để có thêm thu nhập, nhưng giờ em không có xe đi làm. Có mẹ nào biết công việc gì làm mà vẫn chăm con không ạ? Bé nhà em mới 9 tháng”, “Có mẹ nào ở Hà Nội gần bến xe Mỹ Đình giúp em với ạ. Em đi xe đêm xuống Hà Nội làm thủ tục vào mái ấm, nhưng không liên lạc được với bạn dẫn vào mái ấm. Giờ em hết sạch tiền không biết đi đâu về đâu. Hu hu, em đang có bầu hơn năm tháng, mẹ nào giúp em với ạ”...

Đó là những lời kêu cứu thường xuất hiện trên tường của Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt.

Chưa từng gặp nhau, nhưng ở “ngôi nhà” ảo của hội, những tình cảm chia sẻ mà các thành viên của hội dành cho nhau hết sức chân thành.

Ngay sau lời kêu cứu của hai thành viên kể trên, nhiều mẹ đã vào kêu gọi các mẹ giúp đỡ. Họ cho số điện thoại hoặc gọi cho bạn bè ở Hà Nội giúp thành viên của hội. Có nhiều thành viên đăng địa chỉ, số điện thoại của họ lên tường của hội để những mẹ đơn thân cơ nhỡ liên lạc. Ấm áp, chân tình và hiệu quả là những điều dễ thấy khi ở trong Facebook của những bà mẹ đơn thân.

“Stephani Vĩnh Ngọc” là tên trên mạng của một bà mẹ đơn thân tại TP.HCM. Chị có một Facebook riêng để chia sẻ và hỗ trợ các mẹ đơn thân, kết nối với các hội, nhóm “single mom” trong cả nước.

Khi tiếp nhận những trường hợp khó khăn của mẹ đơn thân, chị Ngọc âm thầm liên lạc với họ, giúp họ vào mái ấm gần nhất để sinh nở. Với những trường hợp ở gần chị, chị đón về nhà, tạo công việc tại nhà cho các mẹ bầu có thêm thu nhập. Đến nay chị đang giúp hai mẹ đã sinh em bé, một mẹ sắp sinh ở nhờ nhà chị.

Chúng tôi gặp chị Ngọc khi chị đang tất tả lo cho mẹ bầu từ Lâm Đồng xuống. “Bé này có bầu bị gia đình đuổi đi nên phải tìm chỗ sinh nở, chị nói tạm thời về nhà chị, cũng nhà trọ thôi nhưng đủ cho mẹ con họ nương náu tạm thời” - chị Ngọc chia sẻ. Hiện chị đang làm cho một công ty ở Bình Dương, thu nhập tạm ổn, “đủ để nuôi con và giúp thêm phần nào đó cho các mẹ cơ nhỡ” như chị tâm sự.

Phận “gà mái” thương nhau

“Em vốn đã đăng ký kết hôn. Nhưng ba tháng sau ngày đăng ký ba em mất, em có bầu hơn một tháng, gia đình chồng ép cưới khi em muốn để tang ba. Rồi chúng em ly hôn vì gia đình chồng không chịu cho em chờ mãn tang ba. Nhưng cái chính là chồng đã có “người mới” khi em đang mang bầu."

"Sóng gió dồn dập đến khi anh trai hại em suýt chết vì tranh giành quyền thừa kế nhà hàng tiệc cưới. Suốt tám tháng mang bầu, em hầu như không ngủ. Em lao vào làm việc 16-17 tiếng/ngày, mất ngủ triền miên tới mức phải dùng thuốc ngủ liên tục. Một ngày nọ hai mẹ con nhập viện khi em ra máu nhiều."

"Bác sĩ mắng: “Cô muốn giết con cô hả?!”. Em chợt tỉnh ra, không thể vì sóng gió đời mình mà bắt con phải chết. Ngày em sinh con cũng là ngày chồng em cưới vợ mới. Bây giờ con em được 7 tháng, em sắp đi làm lại. Với em sóng gió chỉ còn chút tròng trành. Em đã có con và bắt đầu cuộc đời mới” - tâm sự của Nghiêm Yến Bình, cô gái mới 24 tuổi đã trở thành mẹ đơn thân ở TP.HCM.

Yến Bình tham gia Hội những bà mẹ đơn thân ở TP.HCM chỉ vài tháng gần đây. Dù mới sinh con nhưng Bình rất năng nổ đi giúp đỡ những mẹ đơn thân khó khăn khác mà cô biết. Vì vậy, khi tham gia Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt, Bình được mời vào làm quản trị viên chính cho hội này. 

Cô kể mới đi giúp mẹ Lùn sinh nở, mẹ Nhím làm đầy tháng cho con. Rồi đang tìm cách giúp mẹ Huy Hoàng vì mẹ này từ Nam Định vào Long An, hoàn cảnh rất bi đát.

“Lúc mẹ Huy Hoàng có bầu, bị gia đình hai bên lao vào ép phá thai. Mẹ Huy Hoàng phải trốn vào Long An để sinh con. Cô xin làm kế toán cho một công ty nhưng thu nhập chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Không đủ tiền thuê nhà và trang trải cho con trai giờ đã 20 tháng, ngoài giờ làm cô đi giúp việc nhà."

"Thương lắm, mỗi ngày 5g sáng mẹ Huy Hoàng khóa cửa để bé ngủ một mình trong nhà và đi giúp việc nhà. 6g30 tất tả về đưa con đi học. Có ngày về thấy con tìm mẹ khóc lả rồi ngủ gục ở cánh cửa khóa chặt mà mẹ cũng khóc luôn...” - Yến Bình kể về một mẹ trong hội đơn thân mà cô đang giúp. 

Hiện tại mẹ Huy Hoàng đã xin làm công nhân may vì thu nhập cao hơn, không phải bỏ con ở nhà. Nhưng mỗi ngày vẫn phải gửi bé từ 7g sáng đến 9g tối mới đón về. Đó cũng là khó khăn chung của nhiều mẹ đơn thân làm công nhân hiện nay. Với đồng lương ít ỏi, giờ tăng ca tới khuya, đa số các mẹ đều phải lủi thủi nuôi con trong cảnh chật vật.

Mỗi nỗi đau trở thành một động lực để những “trăng khuyết” vực dậy nuôi con. Cuộc đời liệu có tươi sáng hơn với những bà mẹ đơn thân? Câu hỏi của chúng tôi dường như phải bỏ ngỏ trước những nỗi đau và bấp bênh phía trước của những “gà mái nuôi con” này.

____________

Kỳ cuối: Một vai hai gánh

Theo LÊ VÂN (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm