Đâu là nguyên nhân?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vượt biên trái phép nêu trên, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, chính sách giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng lao động nông thôn chưa hiệu quả.
Thứ hai, để được đi lao động xuất khẩu, người dân phải trải qua nhiều thủ tục như: Khám sức khỏe, học ngoại ngữ, học nâng cao tay nghề, trình độ…
Thứ ba, mặc dù Nhà nước đã quy định mức trần phí xuất khẩu lao động nhưng việc quản lý chưa hiệu quả, để xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp “xé rào”, nâng phí; chưa kể tới những chi phí ăn ở, học tiếng, bồi dưỡng tay nghề, làm hộ chiếu…
Những chi phí này vượt quá khả năng kinh tế của người dân nghèo vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…Do vậy, nhiều người dân đã tìm cách sang Trung Quốc, Campuchia…tìm việc làm thông qua những kẻ đưa người trái phép qua biên giới với chi phí rất thấp. Khi tiến hành tìm hiểu về thực trạng này, chúng tôi nhận thấy, để ngăn chặn vấn nạn vượt biên trái phép đi lao động, Nhà nước phải thực hiện đồng bộ các biện pháp với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng liên quan.
Trong đó, cơ bản nhất là việc giải quyết việc làm, hạn chế những bất cập tồn tại trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, xử lý nghiêm các đối tượng đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép, đồng thời kết hợp các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới từng người dân.
Có nên xử lý người chỉ có nhu cầu tìm việc?
Trong quá trình tìm hiểu, xác minh theo đơn thư bạn đọc, chúng tôi tiếp cận với một vụ việc đã được xét xử. Tuy nhiên, với một bản án được “hình sự hóa” một cách cứng nhắc đã đẩy người dân nghèo vào vòng lao lý không cần thiết. Theo bản án sơ thẩm ngày 25/02/2014 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc thì bị cáo Lê Thị Thanh và Đỗ Văn Thái (trú tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc) can tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tuy nhiên, bản chất vụ việc theo chúng tôi thu thập được thì chỉ đơn thuần là do thất nghiệp, đói nghèo nên người dân đã trốn ra nước ngoài để tìm việc.
Đầu năm 2013, Thanh có ý định sang Trung Quốc làm thuê. Một số người trong và ngoài xã có hỏi Thanh cho đi cùng, Thanh đồng ý. Khi đã có 23 người đồng ý đi (trong đó có Thái), Thanh liên hệ với Vũ Thị Liệt, nhờ Liệt đưa đoàn vượt biên từ Móng Cái sang Trung Quốc. Vì nhanh nhẹn, biết đi xe máy nên Thái được mọi người trong đoàn cử đứng ra đại diện đi thuê xe để đoàn cùng đi từ xã Liên H.a, Lập Thạch đến Móng Cái.
Ngày 8/3/2013, cả đoàn lên đường. Trên đường đi, theo yêu cầu của Liệt, Thanh và Thái đứng ra thu số tiền phí đi sang Trung Quốc của mọi người (trong đó có cả Thanh và Thái), sau đó nộp toàn bộ số tiền đã Thu cho Liệt. Liệt đưa đoàn của Thanh sang đất Trung Quốc và bố trí 2 xe ô tô chở đoàn vào sâu nội địa. Tuy nhiên, chỉ có 1 xe đi trót lọt, xe còn lại chở Thanh, Thái và một số người khác bị công an Trung Quốc bắt giữ, trả về nước.
HĐXX kết luận: Dù Thanh, Thái tổ chức để mình và người khác trốn đi nước ngoài chỉ vì mục đích kiếm việc làm, không có mục đích vụ lợi, nhưng cần xử lý nghiêm nhằm giáo dục riêng và phòng ngừa chung. HĐXX đã áp dụng điểm d, khoản 3.2, phần I của Thông tư Liên tịch số 09/2006/TTLT/ BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 4/8/2006 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài hướng dẫn đối với hành vi “Tổ chức, cưỡng ép từ 16 người lao động trở lên ở lại nước ngoài trái phép”, xác định Thanh, Thái phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 275 BLHS, xử phạt Thanh 5 năm 6 tháng tù, Thái 5 năm tù.
Bản án có trái pháp luật ?
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Cty Luật TNHH Sao Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể cho tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép quy định tại Điều 275 BLHS. Tuy nhiên, trong kết luận của Chánh án TAND Tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1989, trường hợp người tổ chức cho người khác trốn đi nướcngoài trái phép, không nhằm mục đích trục lợi và cũng cùng trốn đi với họ (như Thanh và Thái) không được liệt kê vào các trường hợp phạm tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép quy định tại Điều 88 BLHS1985 (Điều 275 BLHS hiện hành). Bởi người tổ chức để người khác đi nước ngoài trong trường hợp này không có mục đích cá nhân nào khác mà là để tổ chức cho chính họ cũng có thể đi ra nước ngoài trái phép cùng với những người khác được”.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy, về vấn đề định khung hình phạt, giả sử hành vi của các bị cáo là có tội thì việc áp dụng Thông tư 09/2006 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc để xử các bị cáo với mức án rất nặng cũng là trái luật. Bởi vì, Thứ nhất, việc áp dụng tương tự pháp luật hình sự chỉ được cho phép khi có quy định pháp luật cho phép; hoặc việc áp dụng tương tự pháp luật đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Thứ hai, đối tượng của hành vi tổ chức, cưỡng ép ở lại nước ngoài trái phép được hướng dẫn tại Thông tư 09 là công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động.
Những hành vi này không chỉ đơn thuần xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất nhập cảnh (như hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài trái phép để tìm việc làm), mà còn ảnh hưởng đến hoạt động quản lý cư trú, quản lý giấy tờ tuỳ thân,... và đặc biệt là trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về cung ứng và tiếp nhận lao động, từ đó đe dọa mối quan hệ hợp tác kinh tế - lao động giữa Việt Nam với các nước khác, nên có mức độ nguy hiểm cao hơn hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài trái phép để tìm việc làm.
Trong quá trình tiếp cận vụ việc và chứng kiến việc xét xử tại tòa, chúng tôi không khỏi xót xa khi các bị cáo vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước việc bị xét xử tội vượt biên trái phép. Thậm chí, nhiều bị cáo và những người lien quan, khi ra hầu tòa rồi vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao mình lại phạm tội?
Một thực trạng đau lòng khiến chúng tôi phải trăn trở trong quá trình tìm hiểu về vụ việc nêu trên là khi rơi vào cảnh ngộ khó khăn, nhiều người dân đã lao vào con đường tệ nạn (trộm cướp, ma túy, mại dâm…). Những người dân chất phác như Thanh, Thái lại giải quyết khó khăn bằng cách đi tìm việc làm, mưu sinh bằng chính sức lao động của mình, đồng thời giúp những người đồng cảnh ngộ tìm việc làm mà không một chút tư lợi gì.
Mục đích đó vừa chính đáng, vừa phản ánh truyền thống “tương thân tương ái” bao đời nay của người Việt. Nhưng, chính những hạn chế trong chính sách xuất khẩu lao động lại là nguyên nhân cơ bản buộc người lao động phải dung cách vượt biên trái phép để thực hiện mục đích tốt đẹp đó. Bởi vậy, chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta cần phải tuyên truyền, giáo dục rộng rãi hơn nữa để cho người dân hiểu và đi theo con đường xuất khẩu lao động hợp pháp; còn đối với những trường hợp tổ chức vượt biên như trong vụ án trên thì chỉ nên áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính để răn đe, giáo dục. Bởi lẽ, nếu cố tình “hình sự hóa” vụ việc như trên, không những không giải quyết được tận gốc vấn đề mà còn đẩy nhiều cảnh đời nghèo khó vào con đường tù tội, bần cùng. “Bản án” nếu có thì phải dành cho chính các cơ quan chức năng liên quan đến việc thực hiện chính sách xuất khẩu lao động.
Theo QUANG BÌNH (Công luận)