Facebook “Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt” - ngôi nhà ảo đầy tình yêu thương của những bà mẹ đơn thân trên mạng - Ảnh: Lê Vân |
Đứng trước ngã ba đường của hạnh phúc, họ chọn con đường đơn độc nuôi con. Ai sẽ sát cánh bên mẹ đơn thân trong cuộc chiến gai góc ấy?
“Ba con đang vắng nhà!”
“Câu hỏi lớn và khó trả lời của đa số mẹ đơn thân thường gặp là của chính con mình: “Mẹ ơi ba ở đâu?”. Nhiều bà mẹ bảo sẽ nói ba mất rồi, con không có ba... Nhưng như thế còn hơn ngược đãi các bé. Vì đó là một sự giả dối.
Tôi tin rằng khi bé còn nhỏ, nếu trả lời cho con rằng ba đang đi làm xa để bé có chút hi vọng ngày nào đó sẽ được gặp ba thì tốt hơn. Còn nếu bé đã biết ba, cứ để con gần gũi ba. Đó là điều hạnh phúc của con mình” - chị Thúy Oanh, mẹ đơn thân ở quận 8, TP.HCM, tâm sự.
Lúc hai vợ chồng chị ly dị, con bị trầm cảm. Chị đã giận chồng và nói với con khi bé cố hỏi ba đi đâu: “Ba con chết rồi!”. Câu trả lời hờn giận ấy đã khiến con chị thêm bệnh nặng. Giờ chị Oanh rất hối hận vì phút căng thẳng của mình đã khiến con mình như vậy.
Hiện tại chị vẫn để bé qua lại với ba, vun đắp tình cảm ba con như con trai chị mong muốn. Chị “Phượng Nguyễn...” - một mẹ đơn thân ở quận 2 - thường nói với con gái: “Ba con đi làm xa nên vắng nhà!”. Chị bảo không muốn tâm hồn non nớt của con gái bị rạn nứt như mình. Nếu một ngày nào đó ba bé muốn quan tâm con, chị sẵn sàng để bé qua lại với ba.
Cần hỗ trợ nữ công nhân làm mẹ đơn thân
Trong những ngày viết câu chuyện về mẹ đơn thân, chúng tôi đã gặp một số chị em là mẹ đơn thân đang làm công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. N.T.T., 23 tuổi, công nhân ở Khu công nghiệp Vsip1, Thuận An, Bình Dương, đang mang bầu bảy tháng khi chưa kết hôn. Cô phát hiện bạn trai bằng tuổi mình cũng là công nhân, quê miền Tây đã có vợ và con gái 1 tuổi. Éo le là cô biết chuyện khi đã có bầu năm tháng. Quyết định chia tay bạn trai, N.T.T. nói sẽ sinh con và nuôi con một mình dù thu nhập hằng tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng.
Nhưng không may cho T., công ty T. đang làm bị cháy hồi tháng 5 buộc phải cho công nhân tạm thời nghỉ việc, T. lại chỉ mới đóng bảo hiểm năm tháng nên chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp. Điều đáng nói là T. không dám trở về quê vì sợ gia đình không chấp nhận hoàn cảnh của cô hiện tại.
Bà Đinh Phương Nga, cán bộ làm dự án hỗ trợ thanh niên công nhân thuộc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, chia sẻ: “Trong quá trình đi hỗ trợ, tư vấn sức khỏe sinh sản cho công nhân, chúng tôi gặp nhiều trường hợp như T.. Điều đáng lo là ngoài khó khăn kinh tế, họ còn đối mặt với mặc cảm, định kiến xã hội. Chính vì vậy việc tiếp cận, giúp đỡ những trường hợp như T. rất nan giải.
Ngoài sự can thiệp của các tổ chức phi chính phủ như chúng tôi, chị em rất cần sự chia sẻ, gần gũi từ công đoàn các cấp, để làm cách nào đó phá vỡ những rào cản từ nhiều phía khi tiếp cận, can thiệp và hỗ trợ đối tượng này”.
Những ngày này, Yến Bình đang tất bật đi quyên góp đồ trẻ em cho các mẹ đơn thân trong hội trước khi đi làm lại. Cô nói sẽ tiếp tục đồng hành cùng các mẹ trong hội cho dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào.
Hiện một số mẹ đơn thân tại TP.HCM đang rủ nhau học móc len để kiếm thêm thu nhập tại nhà. Đây là một trong các hoạt động thường xuyên mà họ chia sẻ khó khăn với nhau để có thể “ngừng khóc, mỉm cười và bước tiếp đến tương lai”.
Một thử thách lớn trong cuộc đời người phụ nữ Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Đinh Thị Bạch Mai, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, về vấn đề làm mẹ đơn thân hiện nay. * Xin bà cho biết hoạt động của Hội hiện nay có công tác nào liên quan đến chủ đề làm mẹ đơn thân? - Khi người phụ nữ đơn thân “một vai hai gánh” vừa làm cha vừa làm mẹ, tự tạo dựng cuộc sống cho mình và cho con, là một thử thách lớn trong cuộc sống của chị em. Để góp phần hỗ trợ các bà mẹ đơn thân thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, trong thời gian qua hội phụ nữ các cấp đã tập trung các hoạt động: tổ chức Ngày hội phụ nữ vì cộng đồng, Ngày hội nữ tu làm công tác xã hội chăm lo cho gia đình phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn. Nhân rộng chương trình Bữa ăn ngon cho người già, trong đó có phụ nữ đơn thân, với tổng kinh phí 3,5 tỉ đồng... Ngoài ra, Hội phụ nữ thường xuyên chú trọng xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ phụ nữ đơn thân và con các chị có điều kiện vươn lên trong cuộc sống (học bổng, vốn, việc làm, học nghề, bảo hiểm...). |
Theo LÊ VÂN (Tuổi Trẻ)