Nhọc nhằn gọi trẻ đến trường

Ngay từ tháng 7, tháng 8 của năm học mới 2014-2015, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Ẩn cùng các đồng nghiệp ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh Tây Ninh (thị xã Tây Ninh) lại lặn lội vào từng ấp của người Chăm, người Khmer ở các huyện biên giới giáp Campuchia để thuyết phục nhiều gia đình người dân tộc cho con em họ đến trường.

“Mưa dầm thấm lâu”

Thầy Ẩn tâm sự: Trường DTNT là một trong những ngôi trường khang trang của tỉnh. Học tại trường, học sinh không phải đóng bất kỳ khoản phí nào, lại được cấp đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Chỗ ở ký túc xá, các bữa ăn hằng ngày cũng được miễn phí. Nói chung tỉnh cấp kinh phí toàn bộ để giúp các em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có điều kiện ăn ở, học tập tốt nhất. “Tuy vậy, việc vận động các em vào trường luôn gặp gian nan mỗi đầu năm học” - thầy Ẩn cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Ẩn (trái) cùng già làng Binh Xà Rươl và người dân ấp Bến Cừ (xã biên giới Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh) đến nhà người dân vận động các em ra lớp. Ảnh: H.MINH

Năm nay cũng vậy, thầy Ẩn cùng với thầy Lê Minh Trung đi khắp các xã biên giới của huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành; đến các vùng đông người Chăm, người Tà Mun, người Khmer ở các huyện Dương Minh Châu, Hòa Thành để vận động học sinh đến lớp.

Ông Danh Ngất, người Khmer, Bí thư chi bộ ấp Kà Ốt (xã biên giới Tân Đông, huyện Tân Châu), đã nhiều lần đón thầy hiệu trưởng đến nhà vận động cho các em đến trường. Ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nhà, ông Danh Ngất nói với nhiều trăn trở: Ở ấp Kà Ốt còn nhiều em nhỏ người Khmer chưa rành tiếng Kinh nên mặc cảm, sợ ra ngoài học thua bạn thua bè nên không chịu đi học. Một số em bước vào bậc THPT đã trở thành lao động chính, ngoài giờ học đã có thể đi kiếm tiền phụ giúp gia đình nên cũng khó “bứt” khỏi ấp để về trường nội trú. Cuộc sống của bà con phần lớn còn rất khó khăn nên để thuyết phục được phụ huynh không đơn giản chút nào. Nhưng các thầy vẫn không nản chí và qua thời gian “mưa dầm thấm lâu”, phụ huynh đã dần hiểu ra, hợp tác với nhà trường. Phần lớn học sinh bậc THCS và THPT của ấp Kà Ốt hiện đang theo học tại trường DTNT.

Nói đến đây, ông Danh Ngất cười, không giấu được niềm vui trên gương mặt.

“Mấy đứa nhỏ phải biết cái chữ…”

Sau ba năm lặn lội đến từng ấp, từng sóc tuyển sinh, nhiều người dân ở ấp Bến Cừ, xã biên giới Ninh Điền, huyện Châu Thành, đã xem thầy hiệu trưởng và các thầy của Trường DTNT thân thiết như người nhà. Có lần thấy các thầy giáo từ xa lặn lội đến, có hôm gặp trời mưa ướt như chuột lột, già làng Binh Xà Rươl luôn miệng xuýt xoa: “sao không đợi tạnh mưa rồi đi?”. Rồi già làng đích thân cùng người thân giúp các thầy giáo mang hồ sơ tìm đến nhà các gia đình có con em trong độ tuổi để vận động đến trường. “Với việc giúp sức của già làng, công việc vận động các em ra lớp gặp thuận lợi hơn nhiều lần” - thầy Ẩn nói.

Vui miệng, già làng Binh Xà Rươl kể: “Vận động các cháu đi học được rồi nhưng để giữ lại trường cũng không phải dễ đâu. Có đứa xin về thăm nhà một ngày nhưng về mấy ngày không chịu quay lại, thầy giáo phải tới tận đây tìm. Tôi nói với các cháu làm vậy là không được. Cha mẹ đã không biết chữ, mấy đứa phải có cái chữ để làm việc với người ta chớ…”.

Có nhiều sóc xa xôi như sóc Thiết, sóc Chàng Rục tận biên giới huyện Tân Biên, người dân Khmer sống quần cư, ít giao tiếp với người Kinh nên nhiều em nói tiếng Việt không sõi. Khi học chung với các em học sinh ở địa bàn khác, thấy theo không kịp các em lại leo rào trốn về. Thầy Ẩn lại phải rong ruổi trên con “ngựa sắt” đến tận nơi nhờ già làng có uy tín ở đây là ông Đốc Sóc Kha “canh chừng” giúp bọn trẻ, có đứa nào bỏ về nhờ già làng khuyên bảo giúp.

Với nỗ lực hầu như không biết mệt mỏi của các thầy, năm học mới, Trường DTNT đã tuyển được 108 học sinh mới. Hiện nay, tổng số học sinh của nhà trường là 499 em.

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm