Lời ru buồn nơi biên giới

Mường Lát cách TP Thanh Hóa 250 km, là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy. Nơi đây, nhiều bản vẫn còn chưa biết đến ánh điện, sóng truyền hình, chưa thể liên lạc với nhau bằng điện thoại.

Dù đã được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo nhưng đến nay hằng năm người dân vẫn nhờ vào viện trợ về gạo, các dự án xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Những phong tục, tập quán lạc hậu tồn tại nơi vùng biên viễn này từ bao đời nay nhưng đến giờ vẫn chưa có lối thoát nào tốt hơn.

Trẻ con làm bố mẹ  

Đang học lớp 5 Trường Tiểu học Quang Chiểu (Mường Lát), Vi Thị Điều buộc phải nghỉ giữa chừng vì gia đình quá nghèo. Ngày ngày Điều lên nương theo cha mẹ đi hái măng rừng, trồng ngô, sắn kiếm ăn qua ngày. Từ một cô học trò nhỏ hồn nhiên, em phải làm quen với cuộc sống nhọc nhằn nơi nương rẫy.

Nhìn xa xăm ra phía sông Mã đang cuộn đỏ, Điều kể: “Khi em có ý định nghỉ học ở nhà vì muốn lấy chồng, bố nói ừ đến tuổi thì lấy chồng thôi, ở đây ai cũng vậy”. Điều nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ nửa năm thì lấy chồng, lúc em tròn 13 tuổi. Năm nay ở tuổi 14 em đã sinh con đầu lòng và hằng ngày quẩn quanh với những lời ru con bằng tiếng Thái. “Hai đứa em không đăng ký kết hôn nên khi sinh con em cũng sinh ở nhà thôi. Mà ra trạm y tế thì tốn tiền lắm nên không ra đâu. Phải đủ 18 tuổi hai đứa mới ra đăng ký, rồi làm giấy khai sinh”. Tôi bảo: “Em kết hôn mà không đăng ký chắc chắn là bị phạt rồi”. Em xua tay, cười bẽn lẽn : “Không sợ đâu! Vì phạt cũng không có tiền nộp, nhà nghèo lắm!”.

Nhiều cô gái ở vùng đất này mới 14 tuổi đã làm mẹ.

Ánh mắt Điều nhìn về phía ba của đứa trẻ, rồi xa xăm về phía con đường cuối bản. Mây mù kéo tràn qua lưng chừng núi, tràn xuống dưới bản làng Na Hao. Cơn mưa rừng xối xả bất ngờ ập đến khiến đứa trẻ đang ngủ trên tay Điều bỗng giật mình khóc, hòa lẫn trong tiếng mưa nghe xót xa…

Cũng như Điều, nhiều em gái nơi đây như những bông hoa vừa chớm nở, chưa kịp tỏa hương, chưa kịp vươn mình trước nắng mai để khoe hết sắc xuân đã lại bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói, của tiếng ru buồn miền biên viễn...

Một cô giáo tên Cúc ở TP Thanh Hóa có thâm niên dạy học gần 10 năm ở Mường Lát kể: “Sau mỗi kỳ nghỉ hè, số lượng học sinh cứ vãn dần. Mình lội suối, trèo đèo toác cả chân để vận động các em học sinh đi học lại nhưng không được. Các em cứ nghỉ ngang vậy rồi thì đi lấy chồng, “bắt vợ”. Có trường hợp các em cưới nhưng mình không biết. Khi lên vận động đi học thì đã sinh con. Cứ mỗi năm học mới bắt đầu thì cũng là lúc mình cảm thấy buồn, xót xa khi chứng kiến các em ở độ tuổi đến trường mà đã phải theo chồng. Chứng kiến cảnh các em làm bố mẹ trẻ con mà thấy đau lòng, xót xa!”.

“Mọc mầm” là đi “bắt” vợ

Qua những bản người Mông nằm sâu hun hút về phía cổng trời, nơi núi cao thâm sơn cùng cốc, có không ít những câu chuyện cười ra nước mắt. Cuộc sống nơi đây đói nghèo dai dẳng, trẻ con không được đến trường hoặc chỉ đến trường đủ để biết chữ thì phải nghỉ học giữa chừng nên lấy chồng như một việc tất yếu. Vì thế, cái vòng đói nghèo cứ luẩn quẩn mãi không thôi, kéo từ đời này sang đời khác.

Giàng A Dế lấy chị Hờ Thị Mái ở bản Suối Phái (Tam Chung) bảo rằng: “Ta lấy vợ năm 2008, vợ ta lúc đó 13 tuổi xinh lắm, trắng lắm mà má lại hồng nữa. Ta đi qua nhà ta thấy thích, ưng cái bụng thì phải lấy về làm vợ thôi! Rồi ta mang một con gà, chai rượu đến hỏi Mái! Mái chắc cũng thích ta rồi làm đám cưới thôi. Thế rồi ta làm một lèo được bốn đứa mà chỉ có con gái nên buồn lắm, chưa có ai nối dõi! Giờ vợ ta đang có mang đứa thứ năm mà chẳng biết là trai hay gái, nếu mà gái nữa thì phải đẻ tiếp thôi” .

Vừa dừng lại nhấp chén trà, A Dế lại hỏi: “Thế cán bộ chưa lấy vợ kia à? Cán bộ thích gái Mông, ta đưa cán bộ đi vào qua mấy nhà quanh đây. Cán bộ thích thì bắt về làm vợ thôi! Ở trên này cứ “mọc mầm” là lấy vợ thôi, không phải chờ.

Bữa ăn của nhiều gia đình nơi đây chỉ có cơm với rau rừng.

Một góc bản Cơm ở Pù Nhi. Ảnh trong bài: ĐẶNG TRUNG

Sau một phút ngập ngừng, A Dế đứng dậy kéo tay tôi đến nhà Tráng Thị Kín cùng bản, vừa đi A Dế vừa giới thiệu: “Kín 15 tuổi, chưa thấy ai đến cả nhưng mà xinh lắm! Chăm chỉ mà lại to cao, lên nương làm rẫy trồng ngô sắn thì rất giỏi, sau này không lo bị đói đâu!”. Tôi tiếp lời A Dế: “Nhưng sinh nhiều thì bị đói là chắc chắn”, thì nhận được cái khoát tay của A Dế: “Ôi dào! Lo gì, cứ sinh nó ra, nó ăn gì cũng được, miễn sao nó lớn lên rồi thì cho chúng lấy vợ, lấy chồng. Giống ta đây thôi!”.

Nhà Kín nằm ở lưng chừng núi sau những đoạn khúc khuỷu quanh co, Kín đang bổ củi thì A Dế tiến lại gần rồi giới thiệu tôi rất tự nhiên và bảo: “Anh này thích cô rồi đấy, ta dẫn lên đây để xem mặt. Vừa nghe Dế nói xong thì Kín đỏ mặt, e thẹn chạy vào trong nhà, kéo chiếc rèm che kín giường. Lúc này ông Trang A Tụa là bố của Kín bước ra, bắt tay mời tôi vào nhà và nói: “Nếu ưng bụng rồi thì cứ lấy thôi, lớn rồi thì phải lấy chồng, nhà nghèo đâu có cái gì mà ăn”.

Sau một hồi nói chuyện, tôi giải thích về câu chuyện của mình có mặt ở thôn. Tôi thoáng thấy ông Tụa tỏ ra rất hụt hẫng khi không gả được cô con gái của mình. Rồi tiếng khóc thút thít khẽ vang sau bức rèm của cô con gái.

Hình ảnh những cô gái trẻ mới độ tuổi 13, 14 đã mang theo lời ru buồn cứ gợn gạo mãi trong tôi. Tôi chợt nhớ đến bài hát “Tìm em” của Lê Anh Dũng: “Sáng nay, ta ngược dòng lên núi, thấy mùa xuân hoa nở trắng rừng. Phố núi ngẩn ngơ, ta len lỏi tới thấy bóng em lầm lũi trên nương. Ta biết mẹ lỡ trao cho em lời ru buồn, mười ba tuổi làm dâu để áo choàng tháng ngày phong sương…”.

ĐẶNG TRUNG

Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2014, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã có đến 52 cặp lấy vợ lấy chồng chưa đủ tuổi (trong tổng số 73 đôi lập gia đình). Từ năm 2009 đến nay trên địa bàn toàn huyện có 516 cặp kết hôn thì trong đó có tới 284 cặp lập gia đình ở tuổi vị thành niên. Con số này đang ở mức báo động, chiếm 55,3%. Thực tế các cặp vợ chồng lấy nhau ở độ tuổi vị thành niên trên thực tế còn lớn hơn con số này rất nhiều. Nhiều trường hợp không đến đăng ký, không khai báo nên chính quyền không biết. Đa số họ đều chọn cách sinh ở nhà để tránh bị cảnh cáo, phạt hành chính. Khi sinh xong, nhiều người cũng không đến đăng ký khai sinh cho trẻ nên ảnh hưởng các quyền lợi cho trẻ em.

 VŨ THỊ DUNG, cán bộ Trung tâm KHHGĐ
huyện Mường Lát

Từ trước đến nay, không có trường hợp nào bị đưa ra xét xử liên quan đến hành vi giao cấu với trẻ em và vị thành niên. Nhận thức pháp luật trong đồng bào còn rất hạn chế nên rất khó xử lý vi phạm pháp luật về tình trạng tảo hôn, mà có phạt người ta cũng không có tiền nộp vì rất nghèo. Chúng tôi chủ yếu là nhắc nhở tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, vận động cho thanh thiếu niên ý thức được việc không nên kết hôn trước tuổi. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chưa thể tuyên truyền sâu rộng được.

Ông NGUYỄN THANH SƠN, Quyền Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa

Chúng tôi đã xây dựng đề án tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân trước tuổi trong đồng bào dân tộc huyện miền núi nói chung và Mường Lát nói riêng nhưng đến nay chưa được triển khai. Trong khi đó ngân sách tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình lại rất thấp.

Ông LƯƠNG VĂN TƯỞNG, Trưởng ban Dân tộc tỉnh
Thanh Hóa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm