Huyện Khánh Vĩnh có 13 xã và 1 thị trấn, dân số khoảng trên 31.000 người nhưng hiện chỉ có thị trấn Khánh Vĩnh và một phần xã Sông Cầu được sử dụng nước sạch đã qua xử lý. Ngoài 2 địa phương trên, những xã khác muốn có nước tạm gọi là hợp vệ sinh đều phải thông qua hệ thống hồ lắng, tự chảy. Tuy nhiên, do khâu quản lý lỏng lẻo nên rất nhiều hệ thống ở các xã đã hư hỏng, xuống cấp, người dân đành dùng nước sông suối mất vệ sinh.
Hệ thống xử lý nước ở thị trấn Khánh Vĩnh hầu như không hoạt động
Trong khi đó, tại thị trấn Khánh Vĩnh, hệ thống xử lý nước mới được nâng cấp trị giá gần 1,3 tỉ đồng với công suất 600 m3/ngày đêm lại để không. Ông Nguyễn Hoàng, Trưởng Ban Quản lý công trình công cộng và môi trường huyện Khánh Vĩnh, cho biết công trình này được đưa vào sử dụng từ tháng 5-2012, đến tháng 9 thì ngừng hoạt động do... không có nước để xử lý, thỉnh thoảng mới vận hành để chống gỉ sét. “Chúng tôi còn phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng mỗi năm để bảo trì thiết bị” - ông Hoàng bức xúc.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 114 công trình cấp nước sạch tập trung. Do quản lý kém nên nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả. Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, tổng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình nước sạch từ năm 2008 đến nay trên địa bàn tỉnh khoảng 71 tỉ đồng. Hằng năm, UBND tỉnh phân bổ khoảng 10 tỉ đồng cho các huyện để đầu tư các công trình nước sạch. Tuy nhiên, phần lớn các công trình do UBND cấp xã quản lý đều không hiệu quả, nhanh chóng xuống cấp.
“Thời gian tới, các dự án đầu tư công trình nước sạch bằng nguồn ngân sách phải chọn doanh nghiệp quản lý có năng lực để tránh tình trạng hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí” - ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh.
Theo Kỳ Nam (NLĐ)