Lãng phí, thất thoát tài sản công rất lớn

(PLO)- Các đại biểu Quốc hội cho rằng có hai dạng lãng phí, thất thoát, trong đó lãng phí vô hình gây hệ lụy vô cùng to lớn cho quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-10, Quốc hội (QH) đã thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của QH về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Thất thoát ở các dự án gây mất niềm tin

“Hiện nay, có những công trình bỏ không, gây ra sự bất bình trong nhân dân như dự án BV Việt Đức Cơ sở 2, BV Bạch Mai Cơ sở Hà Nam. Đây là những dự án chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn làm giảm niềm tin trong nhân dân” - đại biểu (ĐB) Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu vấn đề.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, ngày 31-10. Ảnh: Quochoi.vn

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, ngày 31-10. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB Ngọc cho rằng nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá, quản lý sử dụng tài chính công. Đặc biệt, các công trình đầu tư dở dang, kéo dài, công trình sau khi đã hoàn thành nhưng sử dụng kém hiệu quả. Ở các tỉnh, thành đều có các dự án, cụm dự án đầu tư và sử dụng vốn ngân sách nhà nước kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí lớn. Đặc biệt, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã có nơi trụ sở bỏ hoang, có nơi trụ sở chính lại không đáp ứng được điều kiện làm việc...

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn là vấn đề có tính nhạy cảm cao. Lấy dẫn chứng tại Lâm Đồng, ông Tạo nói có hai sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm giữa khu vực trung tâm hai TP Đà Lạt và Bảo Lộc nhưng đã bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí.

Điển hình, sân bay Cam Ly (TP Đà Lạt) có 53 ha nhưng bị lấn chiếm khoảng 40 ha; sân bay phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) có 35 ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ.

Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, ngày 31-10. Ảnh: Quochoi.vn

Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, ngày 31-10. Ảnh: Quochoi.vn

Tại thảo luận, có tới 46 ĐB đề cập các lãng phí từ đất đai, tài nguyên, trụ sở đến việc mua sắm phương tiện, tài sản cho cơ quan khu vực công còn xảy ra nhiều sai phạm. Điển hình như các vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC… và nhiều vụ việc khác được nêu tên.

Lãng phí vô hình làm nghèo đất nước

Cho rằng trong báo cáo giám sát mới đề cập đến lãng phí hữu hình, có thể đo đếm được, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhấn mạnh đó chỉ là “bề nổi của tảng băng”.

Theo ông Hậu, đằng sau sự lãng phí hữu hình đó là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, lãng phí nguồn lực quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đó là “thất thoát trách nhiệm, lãng phí niềm tin”.

Hầu hết dự án quốc gia bị chậm tiến độ

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 có 1.609 dự án, năm 2018 có 1.778 dự án, năm 2019 có 1.878 dự án, năm 2020 có 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án chậm tiến độ.

Cùng với đó, hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Hàng ngàn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Liên quan đến các dự án, đã có nhiều trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử

ĐB Hậu đề cập việc nhiều bệnh viện công xin thôi tự chủ, ách tắc đấu thầu thuốc, thiết bị trong bệnh viện; không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm… đang khiến bộ máy trì trệ, gây nhiều lãng phí.

“Tôi cho rằng phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, tuy nhiên tinh thần trách nhiệm không được phát huy, gây lãng phí không thể đo đếm” - ông Hậu nói.

Cùng quan điểm, ĐB Bế Trung Anh (Trà Vinh) nói: “Thuật ngữ năng suất lao động thấp” khiến cho bao con mắt đang đổ dồn vào năng lực, hiệu suất, thái độ làm việc trong phần đông cán bộ, công chức, viên chức. Điều này khiến họ rất khổ tâm, thiếu tự tin”.

ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) thì cho rằng: Có những lãng phí gọi là “lãng phí cơ hội” khi việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bị chậm trễ phê duyệt dẫn đến có nhiều dự án được đầu tư nhưng nguồn lực còn để lãng phí.

ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) thì cho rằng: Yếu kém về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, trình độ quản lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức gây thất thoát, lãng phí nguồn nhân lực toàn xã hội với giá trị rất lớn, nghiêm trọng. “Lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng lao động trong khu vực công đang có nhiều vấn đề, do đó cần được Chính phủ nghiên cứu, tìm cách giải quyết, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực” - bà Thái nói.

Đồng phục thể chế đã chật và luật không theo kịp

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chia sẻ đồng cảm với những khó khăn, vướng mắc mà TP.HCM lẫn các địa phương gặp phải trong thời gian qua. “Phải chăng 63 “chiếc áo đồng phục thể chế” đã cũ và chật, làm cho các địa phương phải xin cơ chế đặc thù để thay?” - ông Nhân đặt vấn đề.

Còn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu Việt Nam hiện là đất nước đang phát triển và đổi mới mạnh mẽ. Quy định của pháp luật thường đi sau thực tiễn và cần phải được hoàn thiện kịp thời, nhanh chóng, tạo đà cho việc phát triển.

Từ đó, Bộ trưởng Phớc rất mong QH hết sức thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ để hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra một đường băng để cho kinh tế phát triển. Một số nguyên nhân tác động đến vấn đề thực hành tiết kiệm có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị… “Cho nên vấn đề về quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật cần phải được hoàn thiện. Cùng với đó, vấn đề thực hành, giải pháp quản trị, điều hành, trách nhiệm của cơ quan quản lý… phải được giải quyết!” - Bộ trưởng Phớc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm