Ngày 10-5, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCMcho biết chị Nguyễn Thị Bình (giáo viên (GV) Trường THCS Ea Kly, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã có đơn đề nghị thi hành án gửi đến cơ quan chức năng.
Chị Bình là người vừa thắng kiện trong vụ án tranh chấp hợp đồng lao động (HĐLĐ), trong đó chị là nguyên đơn, còn bị đơn là Trường THCS Ea Kly. UBND huyện Krông Pắk là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nhiều giáo viên thắng kiện vì bị chấm dứt hợp đồng trái luật. Ảnh: QN |
Liên quan đến vụ việc trên, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết quan điểm của huyện là thực hiện nghiêm bản án của tòa.
Theo bà Trinh, riêng đối với quyết định của tòa liên quan đến trách nhiệm của phía nhà trường và một phần liên quan đến UBND huyện Krông Pắk, huyện yêu cầu nhà trường phải có báo cáo, làm rõ sự việc theo nguyên tắc cá nhân, tổ chức nào không thực hiện đúng pháp luật thì phải chịu trách nhiệm.
“Còn nguồn kinh phí, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk sẽ họp và cùng với các cơ quan chuyên môn làm việc mới có kết quả cụ thể. Vì vụ việc liên quan đến nhiều đơn vị nên sau khi có báo cáo cụ thể thì mới phân tích, tính toán. Quan điểm của UBND huyện là thực hiện nghiêm bản án của tòa, khi nào có kết quả sớm nhất thì chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí” - bà Trinh cho biết.
Theo hồ sơ, tháng 6-2012, chị Bình được Trường THCS Ea Kly ký HĐLĐ trong chỉ tiêu biên chế. Trong suốt quá trình công tác, chị Bình không vi phạm kỷ luật, nhận đầy đủ chế độ theo đúng quy định.
Tháng 6-2017, hiệu trưởng nhà trường lấy lý do ngân sách không đủ phát lương cho GV hợp đồng nên chỉ đồng ý chi trả 45.000 đồng/tiết, tương đương 1,8 triệu đồng/tháng cho chị Bình, trong khi theo quy định, mức lương của chị phải là 4,2 triệu đồng/tháng.
Từ tháng 10-2017, chị không còn được đi dạy, mặc dù thời điểm đó chị đang mang thai. Chị Bình đã làm đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết nên quyết định khởi kiện ra tòa, yêu cầu Trường THCS Ea Kly phải trả 245,5 triệu đồng tiền chế độ thai sản và tiền lương trong thời gian chị không được làm việc. Đồng thời, chị yêu cầu nhà trường phải nhận chị trở lại làm việc…
TAND huyện Krông Pắk xử sơ thẩm đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện, yêu cầu Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho chị tổng cộng hơn 175 triệu đồng và phải đóng BHXH cho chị Bình từ tháng 11-2018 đến tháng 11-2021.
Theo tòa, việc nhà trường cho rằng chị Bình tự ý nghỉ việc và căn cứ theo các văn bản của UBND huyện Krông Pắk để thanh lý HĐLĐ với chị là không có cơ sở. Bởi lẽ chị Bình không đến trường là do không được phân công giảng dạy.
Cạnh đó, nhà trường lấy lý do học sinh và lớp học giảm, phải điều chỉnh HĐLĐ theo khoản 3 Điều 38 Bộ luật Lao động thì phải được UBND huyện chỉ đạo bằng văn bản và thông báo trước cho GV. Tuy nhiên, cả nhà trường và UBND huyện không thực hiện các bước trên mà không phân công giảng dạy, không chi trả lương cho chị Bình.
Ngày 14-4, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của phía bị đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.
Nhiều giáo viên bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật
Ngoài vụ kiện trên, UBND huyện Krông Pắk còn liên quan đến vụ kiện của năm GV Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai vừa xử sơ thẩm đầu tháng 1.
Theo đó, đầu tháng 11-2013, anh Nguyễn Ánh Dương thực hiện ký HĐLĐ và được bố trí giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai. Đầu năm 2017, nhà trường bất ngờ không phân công anh Dương đứng lớp, không trả lương, cũng không cho anh nghỉ việc. Tương tự trường hợp của anh Dương còn có bốn GV khác và họ đã cùng khởi kiện trường này ra tòa.
TAND huyện Krông Pắk xử sơ thẩm cho rằng nhà trường đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật đối với năm GV nói trên. Do đó, HĐXX tuyên buộc Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho anh Dương và bốn GV tổng cộng hơn 1,2 tỉ đồng.
Phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Phiên tòa phúc thẩm dự kiến sẽ được TAND tỉnh đưa ra xét xử vào cuối tháng 5 này.