Tại buổi thảo luận tổ kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX chiều 4-7, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Bí thư quận Gò Vấp, cho biết trong sáu tháng đầu năm 2017, có trường hợp một phó chủ tịch phường bị chém đứt động mạch chủ ở tay khi xử lý lấn chiếm vỉa hè.
Lực lượng quản lý trật tự đô thị dẹp vỉa hè ở TP.HCM.
Từ đó, bà Vân đề nghị cần tăng cường công cụ hỗ trợ cho lực lượng quản lý trật tự đô thị.
Bà Vân cũng kiến nghị không nên thí điểm mô hình đội quản lý trật tự đô thị nữa mà cần có quy định chính thức về hoạt động, về chế độ chính sách và cả đối với cộng tác viên. Đề nghị trích kinh phí xử phạt bổ sung thu nhập cho lực lượng này.
Đại biểu Thanh Vân đánh giá thời gian qua, công tác lập lại trật tự vỉa hè có chuyển biến song kết quả chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết và thiếu bền vững. Vì vậy, đại biểu Vân đề nghị UBND TP có kế hoạch đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Cần thiết làm thay đổi hành vi buôn bán, thói quen mua bán trên lòng lề đường, xây dựng củng cố lực lượng quản lý trật tự đô thị cho chuyên nghiệp hơn, đồng thời chuyển đổi nghề cho người bán hàng rong.
Về giải pháp cụ thể, đại biểu Vân đề nghị tuyên truyền thường xuyên liên tục để người dân hiểu và chia sẻ, không những tập trung vào những cơ sở kinh doanh mà cả người tiêu dùng để thay đổi thói quen.
"Người mua bán hàng rong chủ yếu là nhập cư nên chính quyền cần quan tâm bằng cách điều tra xã hội học rộng, từ những người bán hàng rong, xe đẩy tay… về gia cảnh, nhận thức, nguyện vọng khi chuyển nghề để có cái nhìn tổng quan về thực trạng này. Tôi cũng đề xuất phối hợp các trường đào tạo nghề, các doanh nghiệp để đào tạo nghề miễn phí và kết nối giới thiệu việc làm để chuyển nghề tạo mưu sinh lâu dài. Với các hộ gia đình có kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường thì cần quán triệt cụ thể việc để xe, buôn bán lấn chiếm” - bà Vân nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng trong quá trình thực hiện có nơi còn nóng vội, chưa tạo sự đồng thuận dẫn đến sự phản đối từ người dân.
“Cách làm mỗi quận tôi thấy có sự khác nhau. Có nơi làm rất bài bản, trước tiên tổ chức vận động, trao đổi với người kinh doanh để người dân sắp xếp lại hoặc chính quyền địa phương kẻ vạch phân định giới hạn được kinh doanh, được để xe. Song thực tế, việc kinh doanh đường phố đa số có sự lấn chiếm và việc quản lý cũng rất khó khăn” - bà Nhung nói.