Đó là một trong những ý kiến được đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội sáu tháng đầu năm 2014 diễn ra tại Hà Nội ngày 6-6.
Đánh giá về công tác thanh tra lễ hội, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, nêu thực tế: “Với những lễ hội có công văn trước, kế hoạch trước thì kết quả thanh tra, kiểm tra không phản ánh đúng thực trạng. Nhưng nếu không thông báo trước thì cán bộ địa phương lại thường báo bận khi có đoàn kiểm tra đến”.
Thực trạng về việc hầu đồng, đốt hàng mã ở di tích, lễ hội vẫn còn nhiều là một trong những vấn đề ông Phúc thấy chưa ổn. Bất cập hiện nay là Nghị định 103/2009 cấm đốt hàng mã nhưng lại không cấm sản xuất, cấm vận chuyển. Chưa hết, Nghị định 158/2013 có những quy định chỉ xử phạt khi đốt không đúng nơi quy định nhưng nơi nào là không đúng quy định lại không được xác định rõ.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái thừa nhận bất cập này. “Ví dụ ban quản lý một chung cư để đỉnh đồng phía dưới cho các hộ dân đốt hàng mã, vậy trường hợp này có phải nơi công cộng không? Hoặc các lò hóa mã ở di tích có phải nơi công cộng không?” - ông Ái băn khoăn.
Vẫn vấn đề này, ông Lương Hồng Quang (Viện Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam) nêu ý kiến: “Nhận thức của chúng tôi không phải là bài trừ nó, mà là quản lý nó trước sự bùng nổ và sai lệch về yếu tố văn hóa, tâm linh. Hàng mã đang mang ý nghĩa mới mà người đương đại gắn cho nó. Bản thân người thực hành nghi lễ, quản lý, truyền thông cần quan tâm”.
Vấn đề nóng khác là quản lý công đức. Theo ông Phạm Xuân Phúc, việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật ở các di tích quá nhiều, không phù hợp với di tích, làm ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan. Có nơi khoét tường di tích để làm, làm cho di tích loang lổ, thậm chí dưới bia còn có bát hương, nhìn rất phản cảm và phi văn hóa. Theo ông Phúc, việc xã hội hóa là rất tốt nhưng có nơi lại dựng tấm biển ghi công đức trước di tích. “Công đức tu bổ di tích đâu giống như nhà tình nghĩa hay nhà ở xã hội mà làm như vậy” - ông Phúc nói.
VIẾT THỊNH