Ông Suga, người đã cầm tấm bảng viết tên của triều đại mới bằng Hán tự, cho biết tên này được lấy ý từ trong Vạn diệp tập (Manyoshu), một tuyển tập lâu đời nhất của thơ ca Nhật Bản.
Ký tự đầu tiên “Lệnh” đại diện cho may mắn, và ký tự thứ hai “Hòa” có thể được hiểu là hòa bình và hài hòa.
Đây là lần đầu tiên niên hiệu của Thiên hoàng được lấy từ văn học cổ điển Nhật Bản. Tên của các triều đại trước đều sử dụng chữ Hán lấy từ văn học cổ điển Trung Quốc.
Triều đại mới sẽ bắt đầu vào ngày 1-5, khi Thái tử Naruhito sẽ đăng cơ sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị một ngày trước đó.
Niên hiệu Lệnh Hòa sẽ kết thúc một thời kỳ kéo dài 30 năm của triều đại Bình Thành (Heisei) đã bắt đầu kể từ ngày 8-1-1989.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cầm bảng viết bằng Hán tự niên hiệu của tân Thiên hoàng là Kim Hòa (Reiwa). Ảnh: KYODO
Đây là lần thứ 248 trong lịch sử Nhật Bản, niên hiệu được công bố để đánh dấu một thời kỳ mới cho đất nước. Khác biệt với bốn triều đại trước đây là Bình Thành (Heisei), Chiêu Hòa (Showa), Đại Chính (Taisho) và Minh Trị (Meiji), chính phủ đã công bố niên hiệu mới trong khi vị Thiên hoàng đang trị vì vẫn còn sống.
Vào tháng 8-2016, Nhật hoàng Akihito đã tỏ ý muốn thoái vị vì tuổi cao, trái ngược với các vị vua tiền triều sẽ trị vì cho đến khi qua đời. Đây là điều chưa từng diễn ra trong khoảng 200 năm trở lại đây trong lịch sử Nhật Bản.
Việc đặt tên cho một triều đại mới là một sự kiện quan trọng của đất nước, gắn liền với lịch sử và đời sống của người dân Nhật Bản. Các cơ quan, công ty, trường học và từng người dân đã dành nhiều tháng để chuẩn bị cho những thay đổi cần thiết liên quan đến cách tính thời gian theo niên hiệu của Thiên hoàng.
Bên cạnh đó, niên hiệu cũng mang đến sự ước đoán cho những sự kiện sẽ xảy ra trong triều đại mới.