Trả lời các nhà báo Trung Quốc, Nhật, Mông Cổ về quan điểm của Nga với vấn đề tranh chấp biển Đông mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định quan điểm truyền thống của Nga là ủng hộ giải quyết tranh chấp biển Đông bằng con đường ngoại giao.
Giải pháp ngoại giao phải phù hợp Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Nga hy vọng các bên nhanh chóng thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Tuy nhiên, ông Lavrov lại không đồng ý quốc tế hóa tranh chấp biển Đông. Giống Trung Quốc, ông Lavrov cho rằng vấn đề tranh chấp biển Đông nên được giải quyết trực tiếp giữa các nước tranh chấp, không nên có sự can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào hay bất kỳ nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp.
Ông Lavrov còn chỉ trích các nỗ lực quốc tế hóa vấn đề biển Đông tại các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu.
Ông Lavrov còn kêu gọi các nước đứng ngoài tranh chấp không đứng về bên nào hay lợi dụng tranh chấp để đơn phương tạo ảnh hưởng cho mình ở khu vực, tìm cách cô lập một nước tranh chấp nào đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: DIPLOMAT)
Những lời của ông Lavrov dẫn đến băn khoăn, vậy liệu Nga có về phe Trung Quốc ở biển Đông? Câu trả lời là không, trang tin Diplomat (Nhật) đưa ý kiến của chuyên gia Anton Tsvetov thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga.
Cả Nga và Trung Quốc đều phản đối quốc tế hóa tranh chấp biển Đông nhưng lý do hoàn toàn khác, theo ông. Trung Quốc muốn trở thành kẻ mạnh nhất trong các nước cùng tranh chấp, lấy tư thế này để thương lượng một-một với từng nước tranh chấp. Trung Quốc không muốn quốc tế hóa biển Đông để phải chịu sự phân xử của luật pháp quốc tế, chịu sự can thiệp và ảnh hưởng của các nước không trực tiếp tranh chấp.
Nga thì khác, không đồng tình quốc tế hóa vấn đề biển Đông vì cách ứng xử này nằm sẵn trong chính sách ngoại giao hiện đại của Nga. Nga vẫn thường xuyên chỉ trích các nước, đặc biệt là Mỹ, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) can thiệp vào nội bộ các nước ở Đông Âu, ở khu vực Balkan và các nơi khác.
Ngoài ra, biển Đông không phải là ưu tiên của chính sách đối ngoại Nga khi Nga đang phải chịu gánh nặng kinh tế trong nước, dính líu quân sự ở Syria, xung đột quyền lợi với phương Tây. Nga đang chú ý làm mới quan hệ với châu Á mà Trung Quốc là điểm nhấn, tuy nhiên đến lúc này Nga vẫn chưa tỏ ra quá hào hứng can dự vào tranh chấp biển Đông.
Thêm nữa, quyền lợi của Nga ở khu vực tùy thuộc vào sự gìn giữ và cân bằng quan hệ với cả hai đối tác chiến lược Trung Quốc và Việt Nam.
Và cuối cùng, tranh chấp biển Đông rất phức tạp và chứa rất nhiều vấn đề, quốc tế hóa không phải là vấn đề duy nhất và quan trọng nhất. Nga chưa công khai quan điểm về tất cả vấn đề liên quan tranh chấp biển Đông như chủ quyền, kiểm soát thực tế, quân sự hóa, cải tạo hiện trạng, tự do hàng hải, quản lý tài nguyên. Tránh né dính líu vào các vấn đề này giúp Nga có thể đứng ngoài tranh chấp biển Đông vốn đang có nguy cơ leo thang trong tương lai.