Ngày 24-9 (giờ địa phương), tại hội nghị thường niên của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, Tổng tư lệnh David Berger đã kêu gọi tái phân bố các nguồn lực quân sự của Mỹ ở tây Thái Bình Dương để đối phó mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, tờ South China Morning Post đưa tin.
Cụ thế, ông Berger cho biết các căn cứ và tài sản quân sự của Mỹ tập trung quá nhiều ở Nhật Bản và Lãnh thổ Guam (Mỹ) - cả hai đều nằm trong phạm vi của tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược của quân đội Trung Quốc.
Ông David Berger. Ảnh: US MARINE CORPS
"Chúng ta phải phân bổ lại và phải tính đến Guam. Đồng thời, phải có một đợt ngừng hoạt động ở Thái Bình Dương để làm việc với các đối tác và đồng minh cũng như ngăn chặn Quân đội Trung Quốc khẳng định mình bằng cách cố gắng thay đổi các chuẩn mực toàn cầu đã được thiết lập từ 70 năm trước" - ông nhấn mạnh.
Theo ông, việc triển khai hiện tại đã được thực hiện kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này đã trở nên lỗi thời khi mà quân đội Trung Quốc ngày càng được trang bị tối tân như hiện tại.
Ông nói chiến lược mới nên phân bổ lực lượng trên một khu vực rộng lớn hơn và dàn trải các mục tiêu để Trung Quốc khó tấn công hơn.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ có trụ sở chính tại TP Yokosuka và một tiền đồn ở TP Sasebo, trong khi Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ chủ yếu đóng tại TP Okinawa. Cả ba thành phố của Nhật Bản đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2020 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, tên lửa DF-26 và máy bay ném bom H-6K của Bắc Kinh cũng có thể nhắm vào đảo Guam - một lãnh thổ của Mỹ đồng thời là căn cứ không quân và hải quân quan trọng ở Tây Thái Bình Dương.
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Zhou Chenming nói rằng mặc dù đề xuất của ông Berger là hợp lý, nhưng sẽ khó thực hiện vì cả về lý do tài chính lẫn ngoại giao.
Ông nói: "Theo đề xuất, việc xây dựng các căn cứ mới sẽ tiêu tốn ít nhất hàng chục tỉ USD. Ngoài ra, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang bắt đầu thận trọng hơn trong việc cho phép Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự".
"Hơn nữa, nếu các cơ sở quân sự nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn hơn, thì khả năng phòng thủ chung của họ trước các cuộc tấn công sắp tới sẽ bị suy yếu" - ông Zhou nói thêm.