Bộ KH&CN đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017 về nhãn hàng hóa (gọi tắt là dự thảo sửa đổi Nghị định 43), dự kiến sẽ ban hành và có hiệu lực vào tháng 6-2021. Hàng loạt doanh nghiệp (DN), hiệp hội đã đồng loạt có công văn góp ý đề nghị không sửa đổi nghị định này.
“Môi trường kinh doanh bất ổn, tốn kém”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Hoàng Ngọc Ánh, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết các DN mong muốn có một môi trường kinh doanh với luật pháp ổn định, chí ít là 5-10 năm để yên tâm kinh doanh. Tuy nhiên, các quy định về ghi nhãn hàng hóa thay đổi liên tục, cứ 1-2 năm lại thay đổi một lần.
“Điều này khiến cộng đồng DN vô cùng mệt mỏi và tốn kém hàng ngàn tỉ đồng do phải thay đổi nhãn quá thường xuyên, làm môi trường kinh doanh trở nên bất ổn” - bà Ánh nói.
Bà Ánh dẫn chứng nhiều đề xuất mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 43 có sự bất hợp lý, tạo ra rào cản thương mại. Đơn cử như dự thảo yêu cầu phải ghi tên thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa, thường là nhà nhập khẩu, lên nhãn gốc mới được thông quan.
“Vậy hàng hóa trước khi nhập về Việt Nam phải dán nhãn “nhà nhập khẩu May 10”, “nhà nhập khẩu Việt Tiến”... thì mới được nhập hay sao?” - bà Ánh đặt câu hỏi.
Trong khi đó, hàng hóa từ nhà sản xuất có thể xuất đi rất nhiều nước nên họ không thể đáp ứng yêu cầu riêng biệt cho Việt Nam, trừ khi nước ta mua hàng khối lượng lớn và liên tục trong một thời gian dài để họ có thể làm nhãn riêng cho thị trường Việt Nam. Thêm nữa, sản phẩm có thể gia công tại nhiều địa điểm khác nhau, nhiều nước khác nhau nên nhà sản xuất không thể thể hiện hết thông tin địa chỉ gia công này trên nhãn gốc sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc liên tục thay đổi quy định về ghi nhãn hàng hóa gây tốn kém, mệt mỏi. Trong ảnh: Khách nước ngoài tìm hiểu trái cây xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: QUANG HUY
“Do đó, việc yêu cầu ghi đầy đủ thông tin của tổ chức sản xuất, tổ chức cá nhân nhập khẩu ở Việt Nam trên nhãn gốc là không khả thi. Điều này tạo ra rào cản thương mại cho tất cả hàng hóa nhập khẩu và vi phạm các điều khoản của Hiệp định EVFTA cũng như các FTA khác” - bà Ánh khẳng định.
Đại diện VITAS cũng cho rằng dự thảo yêu cầu hàng hóa chỉ để cho xuất khẩu cũng phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Việt Nam (Nghị định 43 hiện hành chỉ áp dụng đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu - PV). Quy định này sẽ gây khó khăn rất lớn cho xuất khẩu, trong khi đó các DN đang hết sức khó khăn vì dịch COVID-19.
Cùng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà phải ghi nhãn theo quy định pháp luật nước ta và cả pháp luật nước xuất khẩu là rất bất hợp lý, gây tốn kém mà không có lợi ích gì cho người tiêu dùng. Thậm chí quy định này cũng không khả thi khi pháp luật nước ta và pháp luật nước nhập khẩu có điểm khác biệt.
“Ngành thủy sản mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn thành phẩm thủy sản, hay ngành da giày mỗi năm xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi giày dép các loại thì nếu phải thay đổi nhãn mới, chỉ riêng ngành da giày đã tốn hơn 100 tỉ đồng mỗi năm. Nếu tất cả ngành sản xuất khác đều phải thay nhãn, tổng thiệt hại của tất cả ngành kinh tế đó sẽ lên tới hàng ngàn tỉ đồng” - đại diện VASEP cho biết.
Các DN, hiệp hội cũng cho rằng hàng xuất gia công thường chỉ ghi tên của chủ sở hữu (như Cotsco, Walmart, AquaStar....) theo luật của Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 43 lại bắt ghi tên nhà sản xuất theo luật Việt Nam thì chắc chắn nhiều đối tác không chấp nhận.
Chưa cần phải sửa đổi Nghị định 43
Cùng với nhiều hiệp hội khác, Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) cũng vừa có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng hàng hóa - đơn vị chủ trì soạn thảo để góp ý về dự thảo này.
Theo VDA, hầu hết đơn vị thành viên của VDA đều cho rằng trong thời gian qua, Nghị định 43 hiện hành quy định về nhãn hàng hóa cơ bản đã đáp ứng công tác quản lý nhãn hàng hóa tại Việt Nam, nhất là nhãn của sữa và sản phẩm chế biến từ sữa. “Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn này VDA thấy chưa cần thiết” - PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nêu quan điểm.
Bà Hoàng Ngọc Ánh, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cũng kiến nghị không sửa đổi Nghị định 43 cho những lĩnh vực đã có quy định rõ ràng, trừ khi có vấn đề rất nghiêm trọng đến an sinh xã hội, an ninh quốc gia và đã có báo cáo tác động chứng minh. Chỉ bổ sung quy định cho những lĩnh vực còn thiếu như nhãn điện tử để tạo thuận lợi cho DN.
“Theo chúng tôi, Nghị định 43 là khá đầy đủ, không có vấn đề gì lớn nên không phải sửa” - bà Ánh nhấn mạnh.
Với những vấn đề không lớn, bà Ánh cho rằng nên để 2-3 năm nữa khi kinh tế ổn định trở lại sẽ xem xét sửa nghị định. Qua đó để tạo môi trường kinh doanh ổn định và không gây tốn kém không cần thiết cho DN.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ KH&CN - đơn vị xây dựng dự thảo, giải thích việc sửa đổi một số nội dung của Nghị định 43 được thực hiện trên quan điểm chỉ xem xét sửa những gì vướng mắc. Qua đó để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh nhưng đồng thời phải bảo vệ được lợi ích quốc gia và quyền lợi người tiêu dùng.
“Chúng tôi đã nhận được các ý kiến góp ý đó và đang tổng hợp, xử lý để báo cáo ban soạn thảo” - ông Tuấn thông tin.
Đã có sẵn các quy định rất phù hợp rồi Thông tin tại các hội thảo lấy ý kiến đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 43 vừa được tổ chức mới đây, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, cho biết: Ban soạn thảo đưa ra sáu nội dung sửa đổi. Trong đó có bổ sung phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43 gồm cả hàng hóa xuất khẩu… nhằm ngăn chặn việc sản xuất hàng giả tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu nhằm tránh gian lận về xuất xứ hàng hóa… Về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng để chống gian lận thương mại, nếu cần ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu thì Nghị định 43 hiện hành đã có sẵn các điều quy định rất phù hợp rồi. Như khoản 1 Điều 9 yêu cầu bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa; khoản 1 Điều 15 về xuất xứ hàng hóa. Do đó, chỉ cần quy định hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu là đủ. |