Loay hoay xử lý rác thải của F0 cách ly tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ TN&MT vừa ban hành Công văn 1336 hướng dẫn tạm thời về quản lý chất thải đối với trường hợp F0 cách ly tại nhà. Theo đó, tất cả loại chất thải rắn phát sinh của người nhiễm COVID-19 đang cách ly tại nhà phải được quản lý như chất thải lây nhiễm, phân loại riêng biệt với chất thải sinh hoạt của người không nhiễm COVID-19, thu gom và xử lý. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác thải của F0 còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình loay hoay không biết xử lý loại rác thải này thế nào và nhiều địa phương cũng chưa hướng dẫn cho người dân.

Đủ kiểu xử lý rác của F0

Tại TP.HCM hiện có rất nhiều trường hợp người dân nhiễm COVID-19 được điều trị, cách ly y tế tại nhà. Trong số đó có trường hợp khai báo y tế, cũng có trường hợp không khai báo, từ đó rác thải của những hộ gia đình này được xử lý như rác thải sinh hoạt thông thường.

Chị Phan Thanh Phương (quận Tân Phú) cho biết hàng xóm nhà chị cả gia đình nhiễm COVID-19 nhưng không khai báo y tế. “Do không khai báo nên không được giám sát, rác thải của họ cứ vô tư để trước nhà mà không phân loại hay xịt khuẩn. Có khi sáng sớm mở cửa thấy rác bay ra khỏi thùng vì chủ nhà cột túi rác không chặt. Nhiều khi tôi phải mang cồn ra khử khuẩn vì sợ ảnh hưởng đến gia đình mình” - chị Phương nói.

Nhiều hộ gia đình có người nhiễm COVID-19 không phân loại rác theo đúng quy định, gây khó cho người thu gom rác. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Anh Nguyễn Thanh Hùng (quận Gò Vấp) cho biết mới đây gia đình anh có ba người nhiễm COVID-19. Sau khi biết bị nhiễm, anh đã chủ động khai báo với y tế phường và cam kết cách ly tại nhà. Tuy nhiên, sau khi khai báo và được cách ly tại nhà, anh không hề nhận được bất kỳ hướng dẫn nào liên quan đến việc phân loại rác thải của F0. “Ý thức được việc có thể lây nhiễm cho những người xung quanh từ rác thải của gia đình mình, chúng tôi chủ động phân loại rác và xử lý bằng cách cho rác vào bịch, cột chặt và xịt khuẩn trước khi đưa ra ngoài. Mặc dù có phân loại theo đúng quy định nhưng tôi thấy lực lượng thu gom rác vẫn thu gom chung với các loại rác thải khác” - anh Hùng nói.

Rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm COVID-19 phải được xem là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Loại rác này cần được thu gom và xử lý như rác y tế nguy hại. Vì vậy, trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình đang cách ly thì phải được phun khử khuẩn.
Với trường hợp quá nhiều F0 cách ly tại nhà, nếu địa phương quá tải, không đủ lực lượng để hướng dẫn hết hoặc trường hợp không khai báo thì người dân có thể chủ động theo dõi cách xử lý rác trên các phương tiện truyền thông để có cách xử lý phù hợp, tránh lây nhiễm cho người khác cũng như người thu gom rác.
PGS-TS PHÙNG CHÍ SỸ, Giám đốc Trung tâm
công nghệ môi trường (ENTEC)

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Minh, Chủ tịch UBND phường 16, quận Gò Vấp, cho biết phường thường xuyên liên hệ và trao đổi với các tổ dân phố trên địa bàn để hướng dẫn, xử lý phân loại rác cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Hiện vẫn có một vài trường hợp phân loại không đúng hoặc người dân mắc COVID-19 không báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, phường có đường dây nóng, nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan đến xử lý, phân loại rác thải y tế của F0, người dân có thể gọi trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.

Theo ông Minh, hiện trên địa bàn quản lý khá nhiều đường dây rác dân lập. Tuy nhiên, đơn giá thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải y tế khác nhau. Hiện đường dây rác dân lập thu gom rác thải sinh hoạt. Trong thời điểm này, số ca mắc COVID-19 tăng cao, phường đang vận động các đơn vị dân lập thu gom rác thải của người nhiễm COVID-19 theo đúng quy định.

Hướng dẫn phân loại rác thải của F0 qua tin nhắn

Ông Vương Kiến Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, cho biết một trong những khó khăn trong việc thu gom rác thải của người nhiễm COVID-19 là có rất nhiều trường hợp người dân nhiễm nhưng không khai báo y tế. Với những trường hợp có khai báo, phường sẽ có hướng dẫn phân loại rác qua tin nhắn điện thoại. Ngoài ra, nếu người dân có thắc mắc, có thể liên hệ qua điện thoại sẽ được hướng dẫn. Hiện phường đã có hướng dẫn, yêu cầu người thu gom rác thải y tế, rác thải sinh hoạt theo đúng quy định. Nếu người dân phát hiện bất cứ trường hợp người thu gom rác nào trộn chung hai loại hoặc thu gom không đúng quy định, có thể báo ngay phường để phường có hướng xử lý.

“Có ngày cao điểm, phường tiếp nhận khoảng 60-70 trường hợp người nhiễm COVID-19, trong đó theo ước tính, con số không khai báo có thể gấp 2-3 lần. Đây là một điểm khó cho người thu gom rác do không biết hộ nào nhiễm mà thu gom theo quy định. Chính vì vậy, hầu hết người thu gom rác trên tinh thần là họ tự bảo hộ đầy đủ và xem tất cả loại rác loại nào cũng có thể là rác thải của người bị nhiễm” - ông Tân chia sẻ.

Tại quận 1, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND, cho biết thời gian qua Phòng TN&MT đã phối hợp với các phường của quận hướng dẫn xử lý rác thải của F0 cách ly tại nhà, quận cũng thường xuyên kiểm tra và có báo cáo Sở TN&MT. “Theo đánh giá, việc xử lý rác thải của F0 cách ly trên địa bàn quận cơ bản trơn tru. Quy trình xử lý quận đưa ra rất đầy đủ để người dân và người thu gom rác dễ thực hiện” - ông Vinh nói.•

“Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”

Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thì thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm