Rác thải F0 tại nhà: Phải quản lý chặt

Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà.

Tăng cường xử lý rác thải của F0

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng chống dịch. Đồng thời, Bộ TN&MT phối hợp với UBND cấp tỉnh kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Công nhân CITENCO thu gom rác thải y tế. Ảnh: NC

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh, TP chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh của các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn việc phân loại chất thải.

Cụ thể, đối với chất thải phát sinh từ phòng cách ly của F0 đang quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Tất cả chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có F0 thì thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

Trong công tác tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương phải bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm của các trường hợp F0 này để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị phù hợp xử lý theo quy định.

Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài. Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng chống dịch COVID-19.

Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải của những người nhiễm COVID-19 ở TP.HCM, Sở TN&MT TP cho biết đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, phối hợp thực hiện để kịp thời chủ động điều phối, hướng dẫn giải quyết công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn để tránh xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ rác và đảm bảo vệ sinh môi trường

Có đội ngũ xử lý rác thải riêng

Chị Phan Thị Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ hiện nay đa phần người nhiễm COVID-19 đều cách ly tại nhà, trong đó có trường hợp khai báo y tế, cũng có trường hợp không khai báo. Việc cách ly F0 tại nhà là điều bình thường, tuy nhiên nhiều hộ gia đình không chấp hành việc lưu trữ rác thải y tế của người bệnh dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho người khác cũng như lực lượng thu gom rác.

“Bản thân tôi chứng kiến có hộ gia đình sống ở chung cư, cả gia đình bị nhiễm COVID-19 nhưng không khai báo y tế. Họ còn vô tư bỏ rác thải sinh hoạt vào túi nylon và xử lý như rác bình thường. Nếu ai cũng thiếu ý thức như vậy thì không biết có bao nhiêu người bị nhiễm từ họ” - chị Bình bức xúc.

Trao đổi với PV, ông Lê Huỳnh Thanh, Chủ tịch UBND phường 8, quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết số lượng người nhiễm COVID-19 gia tăng nhiều tại địa bàn sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán và thời điểm học sinh vào học trực tiếp. Theo đó, phường có nhiều trường hợp người nhiễm, bệnh nhẹ cách ly tại nhà. Với những trường hợp này phường có hướng dẫn cách ly theo đúng quy định, đồng thời cũng hướng dẫn người dân rất kỹ trong việc xử lý rác thải của người nhiễm COVID-19.

“Hằng ngày, nếu có phát sinh F0, chúng tôi sẽ gửi danh sách cho dịch vụ công ích, đơn vị này sẽ có đội lấy rác thải của F0. Với những trường hợp F0, chúng tôi cũng đã có hướng dẫn người dân cách xử lý rác. Với những trường hợp người dân không xử lý đúng quy định, chúng tôi có nhắc nhở và hướng dẫn kỹ để tránh lây lan dịch bệnh” - ông Thanh chia sẻ.•

Xử lý rác thải của F0 phải theo quy trình

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO), cho biết CITENCO là đơn vị thực hiện xử lý rác thải y tế, rác thải của những người nhiễm COVID-19 theo đúng quy chuẩn bằng phương pháp đốt. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý loại chất thải đặc biệt này được công ty đảm bảo nghiêm ngặt theo quy trình, quy định và an toàn tuyệt đối.

Cụ thể, các công nhân thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải này được trang bị đồ bảo hộ đảm bảo theo tiêu chuẩn của ngành y tế. Chất thải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh.

Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) được phun xịt khử khuẩn. Rác thải khi vận chuyển về nơi xử lý tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa ra khỏi xe và tiếp tục được khử khuẩn trước khi vào lò đốt xử lý bằng công nghệ đốt hai cấp (buồng đốt sơ cấp và thứ cấp) ở nhiệt độ cao. Tro thải sau khi đốt được hóa rắn và chôn lấp tại hầm chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.

“Hiện nay cũng có nhiều trường hợp người dân không thực hiện đúng việc xử lý rác thải của F0 tại nhà, điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người dân cũng như người thu gom rác. Do đó, rất mong mỗi cá nhân nên có ý thức hơn trong việc xử lý rác thải. Những trường hợp F0 cách ly tại nhà nên để rác riêng và giao cho những đơn vị thu gom rác thải y tế” - ông Nhựt chia sẻ.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm