Tuy nhiên, nghị định này lại đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng vì những quy định mang nặng tính thủ tục hành chính, thiếu tính thực tế.
Theo các DN chế biến, xuất khẩu cá tra, chỉ riêng quy định đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra có thể vi phạm nguyên tắc đảm bảo bí mật kinh doanh, gây bất lợi cho DN. Có ý kiến phản biện rằng DN có quyền tự quyết định chi phí sản xuất và giá thành để có lãi và sống được. DN hồ nghi năng lực của Hiệp hội Cá tra liệu có đủ sức giải quyết hàng trăm hồ sơ đăng ký mỗi tháng hay cuối cùng chất đống để DN mỏi mòn chờ đợi. Với các thủ tục như trong nghị định, mỗi lô hàng cá tra để đạt được nhiều chỉ tiêu, phải đợi chứng nhận của Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) mất 7-10 ngày. Sau đó đăng ký với Hiệp hội Cá tra thêm ba ngày. Lỡ vào cuối tuần thì lại mất thêm năm ngày, rồi mất 1-2 ngày qua hải quan. Như vậy, để xuất khẩu một lô hàng mất hơn 20 ngày. Khoảng thời gian này, DN phải chịu lãi suất, tính vào giá thành.
Có DN đặt câu hỏi“đẻ” ra thủ tục này để làm gì? Nói thẳng ra chẳng qua cũng chỉ là vấn đề về thu phí. Các phí kiểm tra, kiểm soát đều cao, bây giờ lại thêm một cái phí kiểm định. chi phí ăn hết giá thành sản xuất sẽ khiến DN khốn đốn vì làm không đủ trả chi phí.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thiếu tính thực tế, không có kiến thức về ngành và không hiểu đời sống DN đã khiến nhiều chính sách mới đưa ra rơi vào cảnh “lợi bất cập hại”. Một nghị định “thai nghén” đến bốn năm trời, DN góp ý lên, góp ý xuống song cuối cùng ra đời lại không đáp ứng được tình hình thực tế của DN ngành cá tra mà lại gây khó.
Theo ông Minh, chính sách không nên cứng nhắc, áp đặt cơ chế thủ tục hành chính, mà phải linh hoạt theo cơ chế thị trường và DN tự khắc tuân theo. Giải pháp từ chính sách là cần thiết cho các ngành phát triển nhưng nếu quy định theo kiểu “tự nghĩ ra” hoặc chăm chăm siết chặt, không gắn với thực tế thì chỉ làm hại DN và càng “bóp chết” ngành nhanh hơn.
QUANG HUY