Số phận của những đứa trẻ thông thường sẽ phụ thuộc vào cách cư xử của những người lớn chúng ta.
Ngày 4-5, hai chị em bé TTPQ (13 tuổi) và TVN (chín tuổi), ngụ huyện Tiểu Cần, Trà Vinh đã tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ sau khi qua chơi nhà hàng xóm và bị nghi ăn cắp điện thoại. Dù đã được các bác sĩ cứu sống nhưng những ảnh hưởng trên sức khỏe lâu dài vẫn rất khó tiên lượng.
Bé TVN đã kể với PV báo Pháp Luật TP.HCM: “Chị Hai con sợ người ta báo công an, ba biết sẽ đánh và ở tù nên kêu con về nhà. Xong chị pha cà phê sữa với ly thuốc trừ sâu. Lúc đó con không sợ chết. Con thấy chết cũng vui mà, còn hơn chết trong tù khổ lắm”.
Chưa bao giờ chúng tôi nghe được điều gì ám ảnh hơn thế. Chỉ vài lời dọa nạt, một người lớn đã đẩy hai đứa trẻ rất hồn nhiên nhưng nhạy cảm kia tới tuyệt vọng tận cùng. Sự tổn thương ấy hẳn là rất khủng khiếp cả về thể chất lẫn tinh thần.
Con “mượn” tiền bạn: Hóa giải nhẹ nhàng
Một phụ huynh tên BTN đang có con theo học một trường tiểu học trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ, cách đây hai năm anh được cô giáo mời lên để trao đổi một vụ việc “động trời”: Con anh đã lấy tiền của bạn đi ăn vặt và không trả lại. Cậu bé học trò bị mất tiền kể lại như sau: “Con mang tiền đi nộp tiền học nhưng chưa nộp thì bạn hỏi mượn. Giờ ra chơi bạn lấy tiền của con để cùng với con và một bạn khác đến căn tin mua bánh ăn rồi không trả lại tiền”. Anh đã rất bình tĩnh, cùng cô giáo và phụ huynh có con bị mất tiền mời ba cậu nhóc học sinh lên nhẹ nhàng trò chuyện, động viên các con nói rõ sự việc. Con của anh thừa nhận: “Con mượn tiền bạn 10.000 đồng nhưng bạn chỉ có tờ 200.000 đồng. Con cầm đi luôn. Nhưng sau đó con làm mất tiền”.
Cậu bé TVN mới đây uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị người lớn hù dọa. Ảnh: H.LAN
Anh đã không trách mắng con mà nhân dịp đó dạy con lần sau phải thật cẩn thận trong quản lý tiền bạc, có chuyện gì phải nói cho cha mẹ biết để giúp đỡ, không nên giấu giếm. Phụ huynh có con bị mất tiền cũng vui vẻ từ chối nhận lại số tiền. Không một ai khác trong lớp biết về chuyện đã xảy ra.
Anh cho biết: “Từ đó các con rất tin cậy tôi, có chuyện gì chúng cũng chuyện trò với tôi nên con có chuyện gì rắc rối là mình biết ngay. Con sống trung thực và dám nhận lỗi, không giấu giếm”.
Những người lớn không biết mình sai
Cũng chính vị phụ huynh này đã rất giận dữ và bất lực khi không thể ngăn một phụ huynh khác bắt nạt một học sinh nhỏ khác, bắt em nhỏ đó phải nhận lỗi trước con của bà.
Hai đứa trẻ đứng rúm ró sợ hãi trước phụ huynh đó, trong khi bà không ngừng quát nạt. Anh BTN đã bước đến khuyên bà không thể cư xử như vậy với bọn trẻ. Bà càng giận dữ la lớn, cho rằng anh “không hiểu chuyện gì mà xía vô”. Anh đã đưa bọn trẻ rời khỏi đó và dặn chúng: “Lần sau khi có người bắt nạt các con, hãy báo cho thầy cô hoặc cha mẹ biết. Không ai có quyền quát mắng các con như thế”.
Chia sẻ câu chuyện này với Pháp Luật TP.HCM, anh viết: “Tôi muốn kể những câu chuyện này vì tôi là phụ huynh của hai đứa trẻ. Tôi hiểu rằng bọn trẻ rất dễ bị tổn thương, nhất là những đứa trẻ nhạy cảm quá mức. Nhiều người lớn còn không biết mình sai, có khi họ còn nghĩ họ đang “giáo dục” bọn trẻ. Người lớn cần rút ra bài học khi xử sự với con trẻ, nhất là khi đã có hai đứa trẻ uống thuốc rầy tự tử”.
Cha mẹ cần luôn để mắt tới con Qua những vụ trẻ tự tử, cha mẹ cần rút ra hai kinh nghiệm. Thứ nhất, cha mẹ phải làm bạn cùng con, luôn để mắt đến những bất thường của con, thường xuyên giao tiếp với con. Các con rất cần được chia sẻ kịp thời. Thứ hai, cha mẹ hãy để các con trải nghiệm những khó khăn vừa sức để khi gặp những khó khăn lớn hơn, các con có đủ sức đề kháng để vượt qua. ThS tâm lý TÔ NHI A |
Ngay cả trong những môi trường được xem là an toàn cho trẻ cũng có bắt nạt và áp bức đến từ chính người lớn. Cách đây chưa lâu, vào tháng 11-2017, nhiều người đã ngỡ ngàng khi hay em Trần Thị Hồng Th., học sinh lớp 8, Trường THCS Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu), uống thuốc diệt cỏ tự tử. Câu chuyện cũng thật đau lòng. Nguyên nhân là do lớp của em bị mất số tiền 1 triệu đồng. Cô giáo nghi ngờ Th. lấy số tiền này và ép em phải nhận trách nhiệm, nếu không sẽ báo công an. Cả trường đều biết chuyện. Khi phụ huynh lên làm việc với nhà trường, cô chủ nhiệm còn thông báo sẽ cho em hạnh kiểm yếu. Sau đó em đã tự tử.
Chắc rằng cô giáo của em Th. không ác ý và cô cũng không nhận ra những hành động của mình là đe dọa và bắt nạt. Xã hội của chúng ta luôn yêu cầu từ trẻ nhỏ là phải nghe lời cha mẹ, thầy cô nhưng lại không yêu cầu người lớn phải cư xử nhân văn, tôn trọng con trẻ. Thậm chí nhiều người còn cho rằng “thương cho roi cho vọt”. Những đứa trẻ nhạy cảm không thể chịu nổi sự áp bức đó của người lớn đã phải tìm đến cái chết.
Một lời nói của người lớn có thể là đôi cánh nâng đỡ, cũng có thể là liều thuốc độc đối với bọn trẻ. Xin những người lớn hãy cẩn trọng hơn nữa!
Người lớn hãy nhân văn với con trẻ! Tôi là một giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn nhắc nhở mình phải bình tĩnh và tôn trọng học trò. Bình tĩnh để tìm hiểu sự thật vì có những điều mà chúng ta mắt thấy tai nghe còn chưa hẳn là sự thật. Người lớn cũng cần bao dung và nhân văn ngay cả khi con trẻ làm sai. Trẻ con là một cá nhân đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Chúng ta cần giúp các em điều chỉnh những hành động bồng bột, nông nổi chứ không phải trừng phạt hay dán nhãn xấu. Con trẻ trở thành người như thế nào, trưởng thành thế nào là do người lớn chúng ta. Cô NGUYỄN THỊ HẰNG,giáo viên môn ngữ văn, |