Sáng 2-1, phiên tòa xét xử vụ án nổ súng khiến 16 người thương vong xảy ra tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã bước vào phần xét hỏi.
Các bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường bị truy tố về tội giết người; Đoàn Văn Diện bị truy tố về tội che giấu tội phạm. Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (cựu phó giám đốc Công ty Long Sơn) và Phạm Công Thiện (cựu trưởng quản lý Công ty Long Sơn) cùng về tội hủy hoại tài sản.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Hiến khai, thời điểm người của Công ty Long Sơn đến khu vực đất của mình, Hiến chỉ cầm súng ra dọa nhằm mục đích đuổi nhóm người này về. Tuy nhiên, người của Công ty Long Sơn vẫn cố thủ và dùng đá ném lại nên buộc bị cáo phải nổ súng.
“Khi bị nhóm người của Công ty Long Sơn chặn đường, bị cáo đã bắn một phát chỉ thiên nhằm mục đích đe dọa nhưng nhóm người này vẫn dùng đá ném tới tấp buộc bị cáo phải nổ súng để chống trả. Nếu bị cáo không bắn trả thì không biết nhóm này sẽ làm gì bị cáo” - bị cáo Hiến Khai.
Bị cáo Trường cũng khai rằng thời điểm xảy ra vụ việc Trường đang trông con cho Hiến. Khi nhóm người của Công ty Long Sơn đến, Hiến đã chạy lên gác và nhờ Trường lấy hộp đạn. Sau đó, Trường gọi điện thoại cho Bình lên hỗ trợ chứ không trực tiếp bắn.
Bị cáo Bình khai: Trước khi xảy ra vụ nổ súng, người của Công ty Long Sơn đã nhiều lần gây hấn với người dân tại khu vực tiểu khu 1535. Do đó, người dân tại khu vực đã bàn bạc và thống nhất sẽ chống trả nếu người của công ty đến san ủi hoa màu. “Khi nghe điện thoại của Trường tôi đã mang súng chạy lên nhà Hiến hỗ trợ. Lúc này, tôi và Hiến cầm súng ra vườn điều, tại đây tôi đã bắn hai phát đạn vào nhóm người của Công ty Long Sơn, tuy nhiên không biết bắn vào ai”.
Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu đang trả lời tòa
Về phía Công ty Long Sơn, bị cáo Sửu cho rằng diện tích đất tại tiểu khu 1535 không thuộc diện được đền bù. Trước khi thực hiện việc san ủi công ty đã có báo cáo cho UBND tỉnh, trong báo cáo có xin cho san ủi diện tích đất tại tiểu khu 1535.
“UBND tỉnh đã có công văn trả lời yêu cầu các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức phối hợp để giải tỏa diện đất trên. Nghĩ rằng UBND tỉnh đã cho phép san ủi diện tích đất đó nên bị cáo đã cho người vào tiến hành giải tỏa” - bị cáo Sửu khai.
Chủ tọa hỏi Sửu, tại sao đi giải tỏa mà công ty chở theo đá trên xe máy cày? Sửu đáp, do đường khó đi nên phải mang theo đá để san lấp những chỗ lầy lội cho xe qua. Khi chủ tọa vặn: “Lấp đường mà lại có các cục đá nhỏ?”, lúc này thì bị cáo Sửu im lặng.
Bị cáo Sửu phủ nhận việc chỉ đạo nhân viên của công ty tấn công lại người dân. Lúc này chủ tọa phiên tòa rằng phía công ty đi giải tỏa đất là có chủ đích và có sự chuẩn bị kỹ, bởi tài liệu điều tra thể hiện, trước thời điểm xảy ra vụ nổ súng, phía công ty đã nhiều lần tập huấn cho công nhân phương án giải tỏa; công ty còn mua sắm các dụng cụ khiên, dao, rựa, gậy gộc phục vụ việc giải tỏa.
Sau khi nghe chủ tọa nói bị cáo Sửu thừa nhận có tập huấn cho công nhân và chuẩn bị trước phương án giải tỏa.
Bị cáo Thiện cũng khai tất cả việc xảy ra đều do phó giám đốc Công ty Long Sơn chỉ đạo. “Bị cáo chỉ là người làm thuê thế nên cấp trên chỉ đạo như thế nào thì bị cáo làm như vậy. Khi sự việc xảy ra bị cáo đã dẫn gần 30 người trang bị gậy và trang phục bảo hộ nhằm bảo vệ xe ủi để san ủi khu vực lấn chiếm đất. Thời điểm đó, trên xe cày chở theo đá cục nhằm để chống trả lại người dân nếu gặp phản kháng” - bị cáo Thiện khai.
Phiên tòa đang tiếp tục phần xét hỏi.