Các chuyên gia, luật sư đưa ra những góp ý đi vào chi tiết hoàn thiện từng điều, khoản trong dự thảo luật.
Tuy nhiên, ông Phạm Duy Nghĩa, trọng tài viên VIAC, có ý kiến góp ý hoàn toàn khác biệt. Ông cho rằng Luật Cạnh tranh trong suốt thời gian qua chỉ đóng vai trò như một món đồ trang trí.
“Tự nhiên cứ vài năm mình lại sửa một cái luật! Tôi thấy Bộ luật Dân sự cũng còn tốt đấy chứ, hình sự cũng còn ngon... thế mà cũng mang ra sửa. Vậy chúng ta nên xem Luật Cạnh tranh có cần sửa không? Nếu sửa thì sửa cái gì? Luật nên như cái đinh móc. Tối về nhà, dù cúp điện tối om, mình vẫn biết chắc cái đinh đấy nằm ở đâu, để mà móc áo của mình lên.
Luật Cạnh tranh mang tính... trang trí. Đừng bắt nó cõng nhiều thứ quá. Tôi nghĩ đầu tiên phải làm là làm về Luật Đất đai, phải công bằng, ổn định hơn. Chúng ta đều hiểu rõ cơ chế phân phối tài nguyên hiện nay như thế nào, cơ chế hoạt động nền kinh tế hiện nay thế nào, có ý nghĩa thế nào về cạnh tranh.
Người thắng cuộc trong kinh tế hiện nay thông qua quan hệ, chứ có thông qua cạnh tranh đâu! Nếu Luật Cạnh tranh mà chỉ là vật trang trí thì cứ để nó đấy, không nên mất công làm Luật mới làm gì! Cái nào đáng sửa thì tập trung sửa, không cần thì cứ giữ nguyên như cũ” - ông Nghĩa góp ý.
Vụ thông tin lệch lạc về nước mắm có chứa asen không được "xử" bằng Luật Cạnh tranh, dù đã gây ra một "cuộc chiến" không lành mạnh trong ngành nước mắm. Ảnh: Quỳnh Như
Cục Quản lý cạnh tranh, khi trình bày dự thảo, cũng đã đưa ra một số thực tiễn vể áp dụng Luật Cạnh tranh. Trong một số trường hợp, các biện pháp hành chính khác đã được áp dụng, thay vì áp dụng Luật Cạnh tranh.
Ví dụ, đã từng xảy ra thời điểm giá nguyên liệu sữa bột giảm rất sâu nhưng giá bán trên thị trường không hề giảm. Vấn đề liên quan đến thị trường, người tiêu dùng này cuối cùng lại được xử lý bằng cách quản lý giá, chứ không giải quyết về mặt cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh dự thảo dự kiến sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới và có thể thông qua vào kỳ họp tháng 5-2018.