Sở GTVT TP.HCM cho biết lượng đơn đề nghị cấp giấy tạo điều kiện cho người dân TP.HCM bị kẹt ở các tỉnh thành trở về TP.HCM ngày càng tăng cao, tăng lên từng giờ.
Tuy nhiên, số lượng đơn không đạt yêu cầu cũng rất nhiều, khiến các chuyên viên mất nhiều thời gian đọc, lọc và trả đơn.
Trả lại đơn vì không đúng yêu cầu
Chị NTTT (TP Thủ Đức) cho biết con chị về tỉnh Khánh Hoà ngay trong thời gian nghỉ hè, song do ảnh hưởng bởi dịch nên đến nay con chị T vẫn chưa thể trở lại TP.HCM.
“Đến năm học mới mà con phải xa mẹ, điều kiện học tập cũng không được đảm bảo nên cả gia đình lo lắng. May mắn đợt này Sở GTVT TP.HCM cho phép người dân bị mắc kẹt ở các TP được trở về, người dân chỉ cần giấy xác nhận từ Sở thì có thể đi qua các tỉnh thành khác. Nhà tôi đã làm đơn gửi Sở GTVT để được đón con trở về TP”.
Nhiều đơn xin cấp giấy đi đường của người dân bị trả lại vì không đúng yêu cầu. Ảnh: ĐÀO TRANG.
Theo chị T, sau một ngày Sở GTVT TP.HCM đã phản hồi rằng đơn chị gửi mail thiếu chữ ký xác nhận nên không được chấp thuận. Sở GTVT đã gửi mail, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ và gửi lại mail cho Sở GTVT. Tuy nhiên, việc gửi mail có chữ ký điện tử, song cả gia đình đều không rành nên gia đình chị T cũng chưa gửi đơn trở lại. Liệu rằng người dân có thể in ra, ký tên và chụp hình gửi Sở GTVT có được chấp thuận không?
Tương tự, anh Nguyễn Văn Lâm cho biết con anh gửi ông bà ngoại từ trước đợt dịch thứ 4 ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, sức khoẻ ông bà không ổn định, TP.HCM cũng đã nới lỏng giãn cách nên gia đình muốn đón hai con trở về. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, giấy tờ còn khá phức tạp.
“Tôi đã gửi đơn tới Sở GTVT TP.HCM đề làm giấy xác nhận về Bà Rịa – Vũng Tàu đón con. Một ngày sau, Sở GTVT cũng trả lại đơn vì thiếu chữ ký, thiều thời gian đi và về. Sở yêu cầu gửi đơn đúng thủ tục, sau đó mới được cấp giấy đi lại”, anh Lâm bày tỏ.
Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sau khi Chỉ thị 18 có hiệu lực, Sở đã có văn bản 10399 về hướng dẫn giao thông trên địa bàn TP. Trong đó, có hướng dẫn người dân TP.HCM từ các tỉnh thành trở về TP.HCM hoặc người dân các địa phương khác muốn vào TP.HCM.
Ngay sau khi triển khai (ngày 1-10) đến nay, Sở GTVT TP.HCM đã nhận được khoảng 7.000 email đề nghị cấp giấy xác nhận từ địa phương trở về TP.HCM. Đến nay, Sở GTVT đã giải quyết 164 đơn đề nghị; Trả lời hướng dẫn 2.590 email do kê khai không đúng mẫu đơn, hướng dẫn thành phần hồ sơ đính kèm và đang tiếp tục giải quyết 4.183 mail.
Từ ngày 6-10, người dân nộp đơn qua web Sở GTVT
Ông Bùi Hoà An cho biết các đơn mà người dân gửi mail tới Sở GTVT thường mắc nhiều lỗi như: Không ký tên dưới đơn, khai báo đơn không rõ ràng, không nói đi làm gì, đón ai, khám bệnh ra sao… chỉ gửi thông tin vu vơ và số điện thoại thì Sở không có cơ sở giải quyết.
Ông An lý giải hiện nay UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh, thành và được chấp thuận đi lại nhưng việc qua lại các chốt ở các tỉnh chưa được thuận lợi và vẫn còn tình trạng bà con mắc kẹt. Do đó, Sở GTVT phải tương tác với người dân vì nhiều trường hợp khai báo thông tin trong đơn chưa chính xác, không đủ cơ sở giải quyết.
Từ ngày 6-10, người dân TP.HCM có nhu cầu trở về TP.HCM có thể gửi đơn, điền thông tin trên Web của Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG.
Hơn nữa các tỉnh, thành có nhu cầu phòng chống dịch nên TP.HCM phải tương tác với các cơ quan công an, ngành giao thông để giải quyết theo nhu cầu người dân.
Ông An cho biết hiện nay lượng đơn gửi tới Sở GTVT ngày càng tăng cao và thay đổi theo giờ. Cán bộ chuyên viên của Sở phải đọc mail, thẩm định, lọc những hồ sơ chưa đạt gửi mail lại và hướng dẫn người dân làm đúng thủ tục. Như vậy việc, lọc hồ sơ và hướng dẫn từng người dân mất rất nhiều thời gian.
“Hiện nay, nhiều người dân không rành công nghệ, không biết làm chữ ký điện tử thì người dân có thể in đơn, ký tên và chụp hình gửi qua mail. Trường hợp người dân không thể đi in thì có thể viết tay theo mẫu đơn, ký tên và chụp hình gửi tới mail của Sở. Bên cạnh đó, người dân cần gửi kèm các thông tin phải có như: chứng minh là người tạm trú hoặc học tập, sinh sống ở TP.HCM; nêu rõ lý do làm đơn (đón ai, làm gì)”, ông An cho biết.
Lãnh đạo Sở GTVT nhận định việc cấp giấy, đọc hồ sơ, trả hồ sơ mà Sở GTVT vẫn còn thủ công, gây mất sức và mất nhiều thời gian. Hiện nay, Sở GTVT phải huy động ngày đêm 40 cán bộ chuyên viên ngồi đọc mail mà người dân gửi tới, song số đơn gửi tới ngày càng nhiều. Trường hợp đơn sai càng mất nhiều thời gian xử lý hơn vì phải ngồi lọc xem có đúng đối tượng không, nếu sai phải mail hướng dẫn để người dân làm cho đúng. Thậm chí, lãnh đạo Sở phải ngồi ký đến 1-2 giờ sáng cho kịp.
Từ ngày 6-10, Sở GTVT sẽ hoàn thành tích hợp đăng ký trên trang web của Sở, người dân chỉ cần đăng ký các thông tin liên quan trên web và sẽ nhận kết quả nhanh chóng. Trường hợp người dân điền thiếu, không đúng thông tin sẽ được trả lại ngay. Ngoài việc điền các thông tin, người dân sẽ gửi thêm một số hình ảnh đính kèm qua web.
“Thiết kế lại web sẽ mang tính kỹ thuật cao, chuyên nghiệp hơn, Sở cũng không mất nhiều nhân lực trong việc cấp giấy cho người dân. Đặc biệt, người dân gửi đơn sẽ được trả thông tin một cách nhanh chóng. Thủ tục lúc này chỉ còn việc trình ký các hồ sơ hợp lệ, và cũng ký chữ ký số”, ông An nhấn mạnh.
Thời hạn giải quyết đơn không quá 48 giờ Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết sở có nắm được thông tin người dân TP.HCM về Vĩnh Long để đón người thân, song không được chốt kiểm soát cho vào địa bàn tỉnh. Về vấn đề này, lãnh đạo TP sẽ họp bàn với các tỉnh để thống nhất và đưa ra hướng giải quyết. Lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết người dân muốn trở về TP làm đơn đề nghị trình bày lý do; kế hoạch di chuyển cụ thể như hoàn cảnh, thời gian, phương tiện, số lượng người theo danh sách và gửi kèm bản chụp giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan, giấy tờ chứng minh theo mẫu và có chữ ký dưới đơn. Đơn này được gửi qua hộp thư điện tử sgtvt@tphcm.gov.vn, thời hạn giải quyết không quá 48 giờ sau khi nhận đơn. Kết quả giải quyết sẽ được gửi đến người đề nghị thông qua hộp thư điện tử. Người dân muốn trở về TP.HCM phải đảm bảo các điều kiện: Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP.HCM như hộ khẩu, giấy tạm trú, thẻ CCCD hoặc giấy CMND, giấy khai sinh (đối với trẻ em). Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu). |