Lý do hệ thống tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ khó cạnh tranh với S-400 Nga và Patriot Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 14 thế giới, đã phát triển tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước mình trong nhiều năm qua như một ưu tiên quốc gia. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thiếu bí quyết công nghệ để chế tạo những hệ thống phòng không nội địa có thể cạnh tranh với hệ thống phòng không S-400 của Nga hay Patriot của Mỹ, theo trang The EurAsian Times.

Những trở ngại đối với Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm 28-12-2021, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng trong năm 2022, nước này sẽ tiếp tục phát triển hệ thống phòng không mới, HISAR và SIPER, như một phần của dự án phòng thủ tên lửa nội địa với mục đích thay thế S-400 và Patriot.

Bệ phóng tên lửa Patriot. Ảnh: Wikimedia Commons

Thổ Nhĩ Kỳ đã thử thành công các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không HISAR A+ và HISAR O+, bước tới gần hơn hệ thống SIPER.

Dù thế, các chuyên gia tin rằng không có khả năng hệ thống SIPER mà Ankara dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023 sẽ là một giải pháp thay thế khả thi cho các lựa chọn nước ngoài trong nay mai.

Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu chọn mua hệ thống từ nhà sản xuất nước ngoài, đầu tiên là từ Trung Quốc, và khi dự án này bị hủy thì quay sang Nga vì để nhanh hơn và rẻ hơn, theo chuyên gia Gareth Jenkins, một nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Chính sách an ninh và phát triển tại Stockholm.

“Vấn đề là việc phát triển cho riêng nước này hệ thống phòng không sẽ rất đắt đỏ và sẽ mất một thời gian dài ngay cả khi có thể đảm bảo được một số chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài. Và sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa nếu Thổ Nhĩ Kỳ phải tự mình cố gắng sản xuất tất cả công nghệ” – ông Jenkins nói.

Chuyên gia Jenkins lưu ý trở ngại chính đối với tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc trở thành nhà sản xuất vũ khí toàn cầu hàng đầu là Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan không hiểu rõ về công nghệ quân sự. Trong khi việc sản xuất một số mặt hàng trong nước là có ý nghĩa đối với đất nước thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thiếu nguồn lực, cả về tài chính lẫn về chuyên môn, để tự mình sản xuất mọi thứ, ông Jenkins giải thích.

“Phải mất nhiều thời gian để tích lũy kiến thức chuyên môn cần thiết và công nghệ quân sự thường cực kỳ đắt đỏ. Có một sự khác biệt rất lớn giữa sản xuất máy bay không người lái và chế tạo một hệ thống phòng không hiệu quả hay một máy bay chiến đấu tàng hình” – ông Jenkins nói.

Thổ Nhĩ Kỳ thử tên lửa phòng không Siper. Ảnh: The EurAsian Times

Ý tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể phát triển một hệ thống phòng không để cạnh tranh với những hệ thống phòng không của Nga và Mỹ là điều hoang tưởng, ông Jenkins nói thêm. Đơn giản là vì Ankara không đủ tiền để tự mình làm mọi thứ, và cũng không nên sử dụng tiền thuế cho một việc phi lý như thế này, ông Jenkins nói thêm.

Liên quan tới một hợp đồng tiềm năng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine về việc mua hệ thống phòng không mới cùng với máy bay không người lái Bayraktar, ông Jenkins cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bán hệ thống SIPER cho những nước khác với mức giá cạnh tranh hoặc Ukraine sẽ sẵn sàng đợi vài năm nữa cho tới khi hệ thống này sẵn sàng.

Những thông báo gần đây về việc phát triển và thử nghiệm thành công hệ thống phòng không nhiều khả năng liên quan tới cuộc tổng bầu cử vào năm 2023 và sự tín nhiệm của ông Erdogan đang suy giảm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc, chuyên gia Jenkins nhận định.

Cơ hội nào cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Tuy vậy, trả lời hãng tin Sputnik, ông Huseyin Bagci, Chủ tịch Viện Chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ và là chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Kỹ thuật Trung Đông (Ankara) cho rằng ông có thể nhận thấy hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt đến chất lượng của S-400 hay Patriot sau một thời gian nữa.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Ảnh: Sergei Malgavko/TASS

“Thổ Nhĩ Kỳ cần những hệ thống này về lâu về dài. Ông Erdogan đầu tư mạnh vào lĩnh vực quốc phòng và những tiến bộ đạt được là rất đáng chú ý. Để cạnh tranh với Nga và Mỹ thì còn quá sớm nhưng mục tiêu cuối cùng là để đến được cuôc cạnh tranh này” – ông Bagci nói.

Ông Bagci cũng nghi ngờ rằng những tuyên bố về các thành tựu trong lĩnh vực quốc phòng là có liên quan trực tiếp tới cuộc bầu cử, song chắc chắn rằng những tuyên bố  đó sẽ có tác động đến cuộc bầu cử, và sẽ được sử dụng như một công cụ bầu cử trong nước.

Chuyên gia Bagci cũng không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu sang Ukraine vì Thổ Nhĩ Kỳ vốn nổi tiếng về máy bay không người lái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm