Thổ Nhĩ Kỳ phát triển hệ thống phòng không riêng nhằm thay cả S-400 lẫn Patriot

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa với tham vọng thay thế hai loại vũ khí nhập khẩu là S-400 của Nga và Patriot của Mỹ, hãng tin Sputnik cho hay.

Dẫn nguồn tin từ tờ Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), Sputnik cho biết trong năm 2022, Ankara sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các tên lửa đất đối không (SAM) nội địa theo đề án Hisar và Siper.

Hiện nay, tên lửa Hisar A+ và Hisar O+ của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua các bài thử nghiệm tiêu diệt mục tiêu có tốc độ cao. Hisar A có tầm bắn lên tới 15 km, còn Hisar có thể tấn công mục tiêu trong bán kính 25 km. 

Tên lửa Siper trong lần phóng thử thành công hôm 6-11. Ảnh: DAILY SABAH

Các hệ thống SAM Hisar có thể tiêu diệt mục tiêu là máy bay cánh cố định, máy bay cánh quạt, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và cả tên lửa không đối đất của đối phương.

Thổ Nhĩ Kỳ còn đang nghiên cứu phiên bản Hisar U với tầm bắn vượt 100 km. Do đó, Ankara sẽ tiếp tục các bước tiếp theo để hoàn thiện tên lửa Siper có tầm hoạt động lên tới 150 km.

Hồi đầu tháng 11, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bắt thử thành công tên lửa Siper. Các hệ thống SAM Siper được kỳ vọng sẽ tham gia biên chế quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023.

Bất chấp những đe dọa từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết mua từ Nga hệ thống S-400. Kết quả là Washington đã đình chỉ thỏa thuận liên quan việc hợp tác với Ankara phát triển tiêm kích F-35.

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn SAM Siper sẽ thay thế cả S-400 (Nga) và Patriot (Mỹ). S-400 có tầm hoạt động 250-400 km, trong khi các tên lửa Patriot có thể vươn xa tới 160 km.

Các tên lửa Siper được kỳ vọng sẽ đảm nhận nhiệm vụ phòng không tầm xa và bảo vệ các cụm mục tiêu phân tán. Cùng với các hệ thống phòng không nội địa khác như Korkut, Sungur hay Hisar, Ankara đặt mục tiêu xây dựng hệ thống phòng không nhiều lớp cho đất nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm