Lý do lượng điện tiêu thụ tăng đột biến gấp 6 lần 1 ngày

(PLO)- Chỉ số điện tiêu thụ của chị HN (quận Phú Nhuận) trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 6kWh, song tới ngày 25-4 ghi nhận trên app của Điện lực TP.HCM mức tiêu thụ tăng gấp 6 lần, lên gần 35kWh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bên cạnh "trend" khoe hóa đơn tiền điện trên mạng xã hội vào những ngày TP.HCM nắng nóng đỉnh điểm (tháng 4-2024), không ít người dân than phiền việc chỉ số tiêu thụ điện tăng đột biến trong một vài ngày cá biệt.

Để theo dõi thông tin tiêu thụ điện, người dân TP.HCM đã tải app (ứng dụng) EVNHCMC CSKH. App này có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ mỗi ngày và dự tính được tiền điện từng ngày, từng tháng và các năm sử dụng điện.

1 ngày sử dụng máy lạnh chỉ số điện tăng cao

Chị PN (quận Phú Nhuận) cho biết trung bình mỗi ngày gia đình chị chỉ sử dụng khoảng 5-6kWh điện/ngày. Thế nhưng vào ngày 25-4, chỉ số tiêu thụ điện của nhà chị trên app của Điện lực TP.HCM tăng gấp 6 lần - lên gần 35kWh/ngày.

Chia sẻ với PV PLO, chị PV cho biết hầu hết các ngày có lượng điện tiêu thụ thấp là do chị đi làm cả ngày và chỉ sử dụng điện về đêm.

Lượng điện tiêu thụ trong 1 ngày tăng gần gấp 6 lần so với những ngày trước đó
Lượng điện tiêu thụ trong 1 ngày tăng gần gấp 6 lần so với những ngày trước đó, người dân lo lắng hóa đơn tiền điện mùa nắng nóng tiếp tục tăng cao

"Ngày 25-4, tôi ở nhà cả ngày thì phát hiện lượng điện tiêu thụ gần 35kWh/ngày. Như vậy, tiền điện một ngày tăng lên gần 6 lần. Nếu cứ đà này hóa đơn tiền điện tính theo lũy tiến, tiền điện cả tháng tăng rất cao.

"Ngày 25-4, do thời tiết oi bức nên tôi ở trong nhà và sử dụng máy lạnh cả ngày. Phòng rộng khoảng 40m2, trời lại oi bức nên tôi buộc giảm nhiệt độ về 18 độ C với hy vọng làm mát phòng nhanh. Hôm đó tôi bật máy lạnh từ 9 giờ sáng tới tối, thật sự không nghĩ một ngày chạy máy lạnh lại "ngốn" điện tới vậy" - chị PN nói.

Tương tự, anh Khôi Trần cho biết nhà anh có 3 người lớn, một em bé và các thiết bị điện vẫn sử dụng bình thường. Nhưng ngày 22-4, do trời nóng nên lượng điện tiêu tăng gần chạm ngưỡng 150kWh/ngày.

hóa đơn tiền điện tăng cao
Bảng biểu thị điện tiêu thụ những ngày cuối tháng 4 cho thấy gia đình anh Khôi có lượng điện tiêu thụ ngày 22-4 gần 150kWh.

Trời càng nóng, máy lạnh càng tiêu tốn điện

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết ngay từ những ngày đầu tháng 4, EVNHCMC đã liên tục có những cảnh báo gửi tới khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến. Lý do là lượng điện năng tiêu thụ tăng cao vì thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài liên tục, nền nhiệt trung bình trên 35 độ C, có lúc lên tới 40 độ C.

Buổi trưa, do nhu cầu làm mát bằng các thiết bị như máy lạnh, quạt điện… tại các công ty, xí nghiệp và hộ gia đình tăng cao. Điều đó dẫn tới việc điện năng tiêu thụ sẽ rơi vào bậc 4-5-6 theo Quy định về giá bán lẻ điện của Bộ Công thương ban hành năm 2023.

Tháng 4-2024, sản lượng tiêu thụ của toàn TP đạt hơn 2,75 tỉ kWh so với tháng 3-2024 là 2,44 tỉ kWh, tăng 12,44%. Trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình trên địa bàn TP, có đến 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình) với sản lượng điện tiêu thụ trên 1,44 tỉ kWh.

Trong đó có những ngày tiêu thụ điện TP vượt 100 triệu kWh/ngày. Cụ thể: ngày 24-4 là 101,47 triệu kWh, 25-4 là 103,99 triệu kWh, 26/4 là 103,46 triệu kWh. Đó chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao so với các tháng trước.

Vừa qua, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xây dựng mô hình đối chứng thí nghiệm về hoạt động của máy điều hòa nhiệt độ trong các điều kiện thời tiết khác nhau.

Mô hình đối chứng thí nghiệm này do TS Đinh Hoàng Bách, Khoa Điện – Điện tử Trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện. Mô hình gồm 2 phòng có kích thước bằng nhau, gắn cùng một loại máy điều hòa nhiệt độ 1HP inverter, có hệ thống đo lường và giám sát tự động, được thiết lập theo chuẩn Smart factory.

hóa đơn tiền điện tăng cao
Sử dụng máy lạnh trong mùa nắng nóng sẽ tiêu tốn điện hơn.

Phòng 1 làm việc ở môi trường thực tế và phòng 2 - phòng đối chứng có thể điều khiển, thay đổi nhiệt độ môi trường.

Thực nghiệm sau 8 giờ cho thấy: Cùng cài đặt nhiệt độ máy lạnh ở 20 độ C, nếu nhiệt độ môi trường là 30 độ C thì điện tiêu thụ ở cả hai phòng đều là 6,46 kWh.

Tuy nhiên, khi tăng nhiệt độ môi trường ở phòng 2 lên 35 độ C và 40 độ C thì lượng điện tiêu thụ tương ứng là 8,51 kWh (tăng 31,7%) và 10,72 kWh (tăng 65,8%). Như vậy, nhiệt độ môi trường càng cao thì máy lạnh càng tiêu tốn điện năng nhiều hơn.

Thử nghiệm với việc hạ nhiệt độ máy lạnh, trường hợp giữ nguyên nhiệt độ môi trường là 35 độ C, khi cài đặt nhiệt độ điều hòa 26 độ C thì điện năng tiêu thụ hết 3,55 kWh, còn cài đặt điều hòa 20 độ C thì điện năng tiêu thụ là 8,51 kWh. Như vậy, để nhiệt độ máy lạnh càng thấp thì tiêu thụ điện năng càng nhiều.

Ông Bùi Trung Kiên cho biết máy lạnh là thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của một gia đình.

Khi thời tiết nắng nóng 35-40 độ C, nhiều người có thói quen bật điều hòa ở nhiệt độ 18 độ C, lúc này mức tiêu thụ điện của điều hòa có thể tăng lên đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và cài máy lạnh ở mức 26 độ C.

Chính vì vậy, các gia đình nên cài đặt máy lạnh ở 26 độ C để vừa đủ mát, vừa giúp tiết kiệm điện và chi phí tiền điện.

UBND TP.HCM yêu cầu đẩy mạnh tiết kiệm điện

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có văn bản gửi các sở ngành, địa phương về việc đẩy mạnh tiết kiệm điện, đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô.

Trong đó, Thủ trưởng các sở ngành, quận huyện cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai ngay các giải pháp cấp bách tăng cường tiết kiệm điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định trên địa bàn TP.

Các đơn vị cần tổ chức giám sát việc triển khai tiết kiệm điện tại các cơ quan và các đơn vị trực thuộc.

Riêng Điện lực TP.HCM cần xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn TP.HCM trong mùa khô và cả năm 2024.

EVNHCMC cần đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng theo thứ tự ưu tiên trên địa bàn TP. Trong trường hợp phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện khách hàng trên địa bàn thì thực hiện theo đúng Thông tư 22 của Bộ Công thương về quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm cung cấp điện, báo trước cho khách hàng kế hoạch để chủ động cho kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm