Lý do người dân vùng nông thôn ngại thanh toán không tiền mặt

(PLO)- Cần thúc đẩy thanh toán số không chỉ tại các siêu thị, cửa hàng, đại lý bán hàng, hay chợ truyền thống mà cần vươn đến vùng sâu, vùng xa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, vào dịp cuối năm, nhu cầu về thanh toán hàng hóa dịch vụ, mua sắm phục vụ cho tiêu dùng của người dân thường tăng cao.

Cần tạo thuận lợi cho người thanh toán số

Trong đó hoạt động chi trả lương, rút tiền qua hệ thống máy ATM và thanh toán tại các siêu thị, trung tâm thương mại được quan tâm nhiều nhất. Bởi đây là hai hoạt động liên quan trực tiếp đến nhu cầu thanh toán mang tính thời vụ cứ mỗi dịp cuối năm và tết cổ truyền âm lịch.

Trên thực tế, trong những năm gần đây không còn hiện tượng người dân, công nhân tại các khu công nghiệp – khu chế xuất xếp hàng dài để rút tiền tại máy ATM trong dịp cuối năm mà thay vào đó việc thanh toán qua máy POS, qua mã QR, chuyển khoản… trở nên phổ biến hơn.

Các hình thức thanh toán này rất thuận lợi cho hoạt động mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, đại lý bán hàng và kể cả chợ truyền thống (nếu lắp đặt POS không dây hoặc bảng đặt mã QR).

mở rộng thanh toán trực tuyến
Cần mở rộng thanh toán online đến khu vực nông thôn

Các hình thức thanh toán hiện đại qua thẻ, quét QR đem lại sự tiện lợi và nhanh chóng, chỉ một thao tác là tính tiền xong, trong khi đó thanh toán bằng tiền mặt phải kiểm đếm, trả lại tiền thừa và các thao tác khác của người thu ngân và của cả khách hàng.

Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ, trung tâm mua sắm và các siêu thị cũng cần điều chỉnh và sắp xếp hoạt động thanh toán cho phù hợp với các hình thức thanh toán bằng tiền mặt và không bằng tiền mặt sao cho hợp lý, giảm bớt thời gian chờ đợi, xếp hàng thanh toán nhất là dịp cuối năm.

"Chẳng hạn, việc phân luồng thanh toán như 15-20 năm trước đây sẽ trở lại, chỉ khác là thanh toán bằng tiền mặt sẽ được tổ chức riêng cho 1- 2 luồng thanh toán, còn lại chủ yếu là các luồng thanh toán không bằng tiền mặt" - ông Lệnh nêu quan điểm.

Tăng cường các giải pháp bảo mật ví tiền khách hàng

Mới đây, trong phiên chất vấn các lãnh đạo ngành tại Quốc hội, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – tỉnh An Giang nêu vấn đề: "Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu nhưng trước mắt vẫn còn không ít thách thức. Vậy theo Thống đốc, cần phải làm gì để đẩy nhanh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới?".

Trả lời về vấn đề này Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện rất nhiều các giải pháp. Thứ nhất, rà soát hành lang pháp lý để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay cũng rất nhiều hoạt động được thực hiện qua các kênh số. Ứng dụng công nghệ vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hoạt động thanh toán. Ví dụ như xác thực khách hàng qua thông tư hướng dẫn về mở tài khoản, xác thực e-KYC hay thanh toán qua QR Code… Kết quả các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng rất cao.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, giao dịch qua Internet cũng tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động cũng tăng 60,8%, qua QR code tăng 105% và POS thì tăng 21,39%. Giao dịch qua ATM, tức là người dân thực hiện rút tiền qua ATM giảm cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã gia tăng.

Đến tháng 9-2023 tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm xuống còn 9,17% so với mức là 11,73% vào cuối năm 2020, điều này cho thấy được kết quả thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã đạt được những kết quả đáng kể".

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng chỉ ra những khó khăn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

"Đó là do một số khó khăn như thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và cũng do tâm lý e ngại của người dân khi tiếp cận những công nghệ mới trong hoạt động thanh toán.

Định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát các văn bản và phối hợp với các cơ quan chức năng để có thể hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như là có các giải pháp để phòng ngừa và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng, đảm bảo quyền lợi cho người dân và cũng tăng cường công tác thông tin truyền thông" - bà Hồng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm