Ngày 15-6, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) sau thời gian dài nghị án.
Giảm án cho nhiều bị cáo
HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng (cựu tổng giám đốc SAGRI), chủ mưu trong vụ án, 24 năm tù (án sơ thẩm tuyên phạt 25 năm tù) về hai tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Cùng hai tội, bị cáo Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng SAGRI) bị tuyên y án sơ thẩm 20 năm tù vì đã được xử nhẹ dưới khung hình phạt.
Về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) bị tuyên phạt năm năm tù (án sơ thẩm sáu năm tù). Cùng tội này, HĐXX cũng bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) và tuyên y án sơ thẩm sáu năm tù.
Về tội tham ô, Nguyễn Thị Tuyết Mai (trưởng Phòng nhân sự hành chính SAGRI) bị tuyên y án sơ thẩm sáu năm tù, Đoàn Quang Hồi (giám đốc Công ty Lữ hành Hòa Bình Quốc Tế) được giảm từ tám năm còn sáu năm tù.
HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm xử phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội. Các bị cáo đều biết rõ quyền sử dụng đất dự án và phần vốn góp là tài sản nhà nước do SAGRI quản lý, sử dụng. Tùy theo vị trí công tác, các bị cáo khi nhận được hồ sơ của SAGRI xin chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B (quận 9, nay là TP Thủ Đức) đã làm trái pháp luật, tạo điều kiện cho bị cáo Hùng ký hợp đồng chuyển nhượng dự án là vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Đáng chú ý, cấp phúc thẩm nói thiệt hại được xác định đến khi hoàn thành chuyển nhượng dự án là 348 tỉ đồng chứ không phải là 673 tỉ đồng như cáo trạng và kháng nghị của VKS. Theo HĐXX, thời điểm tính thiệt hại là lúc ông Hùng thay mặt SAGRI ký hợp đồng chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú như án sơ thẩm là có căn cứ, phù hợp với hướng dẫn của TAND Tối cao.
Ngoài ra, các bị cáo tại SAGRI còn ký các hợp đồng khống đi du lịch, học tập nước ngoài để tham ô tài sản.
Theo HĐXX, thiệt hại được xác định đến khi hoàn thành chuyển nhượng dự án là 348 tỉ đồng chứ không phải là 673 tỉ đồng như cáo trạng và kháng nghị của VKS.
Bác kháng cáo kêu oan
Đi vào phân tích các kháng cáo, kháng nghị đối với bản án của TAND TP.HCM, HĐXX không đồng tình với kháng cáo kêu oan của bị cáo Tuấn. Theo tòa, doanh nghiệp nhà nước khi chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải bán đấu giá công khai.
Với vai trò của mình, bị cáo Tuấn buộc phải biết việc áp dụng pháp luật đối với việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài thực hiện theo các quy định. Tuy nhiên, bị cáo có tờ trình và tham mưu cho UBND TP chấp thuận chuyển nhượng dự án khi chưa đảm bảo nguyên tắc thị trường, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, chấp nhận việc chuyển nhượng dự án trái pháp luật.
Bị cáo là người học luật và trải qua nhiều cương vị công tác, phải nắm rõ điều kiện, thủ tục chuyển nhượng dự án trên thế nào. Cùng với đó, các bị cáo cùng tội danh đều thừa nhận cần phải định giá, đấu giá để không thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo Tuấn đã hiểu không đúng dẫn đến hành vi vi phạm như cáo buộc.
Trước đó, đại diện VKS cho rằng ông Tuấn buộc phải biết chuyển nhượng tài sản nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý vốn… nhưng bị cáo chỉ thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản là thiếu sót. Dù ghi nhận quá trình công tác, ông Tuấn có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen nhưng VKS xác định bị cáo không oan và đề nghị HĐXX tuyên y án.
Với bị cáo Hùng, không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt về tội tham ô vì án sơ thẩm đã xem xét hết mọi tình tiết. Về tội danh còn lại, tòa đồng tình việc gây thất thoát, lãng phí trong vụ án đã được ngăn chặn cùng một số tình tiết giảm nhẹ mới như gia đình có công với cách mạng, hoàn cảnh khó khăn, con trai bị cáo đang mắc bệnh nên giảm nhẹ một phần hình phạt.
Về bị cáo Tuyến, mức án tòa sơ thẩm tuyên là có căn cứ. Tuy nhiên, bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ, có công với cách mạng, có đóng góp trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, xét bị cáo phạm tội có phần do nể nang, tin tưởng cấp dưới, hoàn cảnh phạm tội có phần hạn chế nên tòa chấp nhận kháng cáo, giảm án mức cao nhất theo đề nghị của VKS.•
Đề nghị kỷ luật phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp
Bản án phúc thẩm vừa tuyên có nêu ông Đặng Quyết Tiến (Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính) biết rõ việc SAGRI chuyển nhượng vốn cho Tổng công ty Phong Phú là chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp, phải xác định nguồn vốn nhưng vẫn ký công văn phúc đáp có nội dung “SAGRI chuyển nhượng dự án cho Phong Phú chưa hình thành tài sản cố định, thực chất là chuyển nhượng dự án bất động sản”.
Trên cơ sở này, Sở Tài chính TP.HCM đã ký công văn gửi cho Sở Xây dựng. Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP.HCM chuyển nhượng dự án mà không thẩm định giá, đấu giá. Hành vi của ông Tiến có lỗi cố ý trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ án. Cơ quan điều tra đã đề nghị Bộ Tài chính kỷ luật ông Tiến.