Lý do trạm trung chuyển rác đầu tiên tại Đà Nẵng chưa hoạt động

(PLO)- Bảy tháng sau khi hoàn thành xây dựng, trạm trung chuyển rác thải đầu tiên tại Đà Nẵng vẫn chưa thể đi vào vận hành chính thức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trạm trung chuyển rác thải trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu, Đà Nẵng) khởi công ngày 3-6-2021, hoàn thành ngày 30-4 với tổng mức đầu tư 171 tỉ đồng.

Công trình do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được kỳ vọng góp phần thu gom rác thải trong khu vực đô thị và qua xử lý ban đầu sẽ chuyển vào các xe chở rác tải trọng lớn không phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác.

Trạm trung chuyển rác thải trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: NGÔ QUANG

Trạm trung chuyển rác thải trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: NGÔ QUANG

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Nhật, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng, cho hay do phải bổ sung hoàn chỉnh các thủ tục để đưa vào vận hành khai thác theo quy định và vì là dự án mới nên trạm trung chuyển rác thải này vẫn đang trong giai đoạn chờ, chưa đưa vào vận hành.

Ông Nhật khẳng định, chủ trương của TP cho đầu tư xây dựng tại mỗi quận một trạm trung chuyển rác thải như trên là vô cùng thiết thực, góp phần hiện thực hóa đề án xây dựng Đà Nẵng là TP môi trường.

Tuy nhiên, do công trình lần đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng, các thủ tục liên quan mất rất nhiều thời gian. Khó khăn nhất là công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư bởi người dân Đà Nẵng đã quá ám ảnh về sự ô nhiễm của bãi rác Khánh Sơn nên chẳng ai muốn đưa bãi rác về gần nhà mình.

“Trạm trung chuyển rác thải mà đặt xa khu dân cư, khu vực vắng vẻ thì lại không đảm bảo yêu cầu về bán kính thu gom rác để đạt hiệu quả tối ưu. Còn đặt trong khu vực trung tâm thì công tác vận động, lấy ý kiến người dân mất nhiều thời gian” - ông Nhật nói.

Cũng theo ông Nhật, trong quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị, vận hành chạy thử vừa qua, chủ đầu tư và nhà thầu nhận thấy còn một số hạn chế cần phải điều chỉnh xử lý để đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu như hệ thống tưới nước thủ công sẽ bất cập nên chuyển qua tự động hóa hoàn toàn.

Đơn vị này cũng đã vào một số tỉnh phía Nam để học hỏi kinh nghiệm vận hành trạm trung chuyển rác thải nhằm về áp dụng cho Đà Nẵng.

“Dự án quá mới, trong khi chủ trương của TP là mỗi quận một trạm như thế này nên chúng tôi muốn cái đầu tiên phải thật bài bản, làm mẫu cả về thủ tục đầu tư đến phối hợp vận hành trạm. Từ đó, những cái sau sẽ có tiến độ nhanh hơn” - ông Nhật lý giải.

Được biết, Sở Xây dựng đang lấy đang lấy ý kiến của Sở TN&MT Đà Nẵng và các đơn vị liên quan để thống nhất phương án, kế hoạch vận hành thử nghiệm của trạm trung chuyển rác thải này. Sau thời gian vận hành thử nghiệm khoảng sáu tháng sẽ báo cáo Sở TN&MT để chuyển sang giai đoạn vận hành chính thức.

Tại buổi kiểm tra mới đây, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm đưa trạm trung chuyển rác thải vào vận hành chính thức, đáp ứng ứng yêu cầu thu gom, xử lý rác của TP.

Ông Triết cũng giao Ban Đô thị - HĐND TP phối hợp các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến người dân, thường xuyên kiểm tra, giám sát về những phát sinh trong giai đoạn vận hành dự án để tổ chức khai thác hiệu quả, đảm bảo quá trình vận hành không gây ô nhiễm môi trường.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày toàn TP phát sinh 1.000 tấn rác thải, dự báo thời gian tới còn tăng lên 1.600 – 1.800 tấn/ngày. Từ trước đến nay, số rác thải này được vận chuyển bằng các xe rác trọng tải 5-7 tấn từ các khu dân cư lên thẳng bãi rác Khánh Sơn, phát sinh mùi hôi và nước rỉ rác chảy xuống đường trong quá trình vận chuyển. Vì vậy việc xây dựng các trạm trung chuyển nói trên là vô cùng cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm