Báo South China Morning Post vừa có cuộc phỏng vấn cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Hong Kong trong tuần này. Ông Turnbull đã kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng vào tháng 8-2018 và chính là người ban hành lệnh cấm Huawei và ZTE hòa mạng 5G ở Úc.
Ông Malcolm Turnbull trong cuộc phỏng vấn tại Hong Kong. Ảnh: SCMP
Ông Turnbull nói rằng chính phủ của ông “đã quyết định không cho phép các công ty có nghĩa vụ hỗ trợ tình báo cho Trung Quốc tiến hành xây dựng các mạng 5G tại Úc”. Trong một thế giới không ổn định, nước Úc phải chống lại những tình huống mà quan hệ thân thiện trong hiện tại nhưng không đồng nghĩa là bạn trong tương lai.
Huawei và ZTE đều bị cấm cung cấp thiết bị 5G cho mạng không dây Úc vào tháng 8-2018 vì lý do an ninh quốc gia. Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ hợp tác với các cơ quan tình báo của nước này.
Mạng 5G được thiết lập để cung cấp đường ray công nghệ cho các xã hội trong tương lai, vì vậy việc cho phép các công ty Trung Quốc xây dựng mạng 5G có thể giống như một “con ngựa thành Troia” làm gián điệp.
Ông Turnbull nói rằng quyết định trên dưới sự chỉ đạo của ông hoàn toàn không nhằm chỉ trích công ty hay công nghệ của Trung Quốc mà xét về bản chất phổ biến của công nghệ 5G và sự biến động của địa chính trị và nhằm tiết kiệm nhiều chi phí cho việc đảm bảo an ninh quốc gia.
Cùng với Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ, Úc là thành viên của liên minh Five Eyes, một nhóm chia sẻ thông tin tình báo từ những năm 1940.
Úc và New Zealand đều đã cấm Huawei hòa mạng 5G, trong khi các thành viên liên minh còn lại còn đang cân nhắc dưới áp lực mạnh mẽ từ chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, ông Turnbull phủ nhận áp lực nào từ chính phủ Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia thành viên Five Eyes nào khác trong việc cấm Huawei hoặc ZTE.
Nhờ vào lệnh cấm Huawei và ZTE nên chỉ còn lại hai công ty trên thế giới có thể cung cấp thiết bị 5G cho mạng Úc là Nokia từ Phần Lan và Ericsson từ Thụy Điển.
Trong chín tháng kể từ khi ông Turnbull rời nhiệm sở, tình hình địa chính trị toàn cầu đã trở nên tồi tệ. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, sức ép thuế quan gây căng thẳng cực độ cho nền kinh tế thế giới và tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia phụ thuộc vào thương mại như Úc.
Ông Turnbull nói thêm rằng ông đã khuyên cả chính phủ Trung Quốc và Mỹ chấm dứt chiến tranh thương mại vì lợi ích của cả hai bên.
Ông Malcolm Turnbull chụp ảnh selfie với ông Trump và ông Tập tại APEC Việt Nam năm 2017. Ảnh: INTERNET
Úc là đồng minh chính thức của Mỹ nhưng coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình. Nước này bị mắc kẹt giữa hai siêu cường và có suy đoán rằng lệnh cấm công nghệ 5G từ Trung Quốc khiến Úc phải chịu hậu quả kinh tế với Bắc Kinh .
Thật vậy, tình hình Úc cũng giống với Canada. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Canada, cụ thể là cải dầu, đã bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc, một động thái liên quan đến việc Canada giam giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei. Ông Turnbull từ chối bình luận về vụ bắt giữ bà Mạnh.
Than nhập khẩu từ Úc đã bị giữ tại cảng Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc, nhưng các quan chức của cả hai nước phủ nhận việc này có mối liên hệ với lệnh cấm công nghệ.
Ông Turnbull đã từng cảnh báo về sự cưỡng ép của Trung Quốc, theo đó, lợi ích chiến lược của Bắc Kinh bị vấy bẩn bởi các hoạt động thương mại, nhưng ông đã cố gắng tách vấn đề buôn bán than khỏi lệnh cấm Huawei.