“Mai mốt bố già, con cõng bố nha bố!...”

Năm đó tôi 23 tuổi, bố tôi 50 tuổi. Năm nay, tôi 26 tuổi, bố tôi vẫn 50 tuổi… Hôm nay là ngày Vu lan báo hiếu, tặng gì cho người đã nằm sâu trong lòng đất?

1.

Mai mốt bố già, con cõng bố nha bố! (Ảnh minh họa)

Nhà tôi hồi ấy rất nghèo.  Gia tài lớn nhất nhà là cái xe đạp, bố đi câu cá. Bố tôi là một thợ câu có tiếng trong làng, cá bố câu là cá quả, một loại cá rất ngon, rất mắc tiền, chỉ có gia đình khá giả mới dám mua ăn. Tôi không thích ăn cá  gì ngoại trừ cá quả.

Tôi không thể diễn tả nó mắc như thế nào nhưng tôi nhớ dù bố tôi câu được cá nhiều là vậy nhưng số lần chúng tôi được ăn cá quả không nhiều. Chỉ có con nào bé quá không ai mua, hoặc đợt nào cá rẻ mới được ăn. Có bận, tôi sốt cao, nằm li bì, chẳng ăn được gì, cả nhà cuống hết cả lên. Tôi nhớ, bố hỏi tôi có thèm ăn gì không rồi liệt kê ra một loạt: “Bánh đa? Trứng? kẹo cốm?...” Thậm chí, cả những món ngày thường chỉ nhắc đến thôi cũng thèm chảy nước miếng vậy mà tôi đều lắc đầu. Mãi lúc sau, tôi mới thều thào đại ý tôi thích ăn cá quả.

Hôm đó, đúng hôm bố tôi câu được con cá rất to, tôi nhớ mẹ còn bảo con này mà bán đủ thức ăn cho cả nhà trong môt tuần lận. Mẹ nhìn bố. Bố chẳng nói gì, xách dao ra cạo vảy, làm ngay món cháo cá thơm lừng. Bữa ăn đó, chỉ có tôi và em gái chưa hiểu chuyện ăn ngon lành.

Có năm, mất mùa, bữa tối hôm đó chúng tôi phải ăn cháo trắng. Thường mẹ sẽ hầm xương, làm cá hoặc ít thì cũng có mấy cái trứng bỏ vào nhưng lần này tuyệt nhiên chỉ có cháo trắng. Nồi cháo lõng bõng nước còn nhiều hơn gạo. Đang vào mùa, bố mẹ bận tuốt lúa cho xong nên cho chúng tôi ăn trước, hai đứa vô tư chén gần hết, cứ khen cháo trắng ngon, mà không hay biết đó là lon gao cuối cùng trong nhà.

Cái giếng trước nhà là một tay bố đào. Căn nhà đầu tiên chúng tôi ở, chỉ đơn giản là những viên gạch ghép chắc chắn với nhau bằng xi măng, không sơn phết, mùa đông phải nhét quần áo rách cho đỡ lạnh là một tay bố mẹ dựng. Tôi vẫn còn nhớ như in những đêm gật gà gật gù buồn ngủ ngồi lau đá cho bớt bùn, mẹ sẽ dùng búa đinh và đồ cối đập vỡ ra để bố trộn đồ đóng gạch. Đá đó là bố mẹ đi đào từ trên quả đồi về, phải trộn đá để bớt tiền xi măng. Mùa đông miền Trung rét cắt da cắt thịt, bố tôi phải uống rượu để giữ ấm và có sức làm việc. Xây xong cái nhà, bố tôi nghiện rượu.

2.

Tôi không phải là một đứa trẻ ngoan. Tôi rất nghịch ngợm, lười học, cẩu thả và hay quên.

Số lần tôi bị chép phạt, viết kiểm điểm chẳng nhớ nổi. Có dạo, tôi còn nói dối bố là tôi được nghỉ học để ở nhà chơi. Thậm chí, có lần, tôi còn tập chữ kí của ông, tự kí vào bản tự kiểm điểm nộp cho cô giáo.

Bố tôi biết chuyện, tôi ăn đòn như cơm bữa, ăn nhiều riết lì đòn. Rồi có lần bố bảo không thích học thì đi bốc gạch với bố. Lần đầu tôi bốc được một viên, sau đó dần tăng đô, tôi bốc được hai viên thậm chí có lần bốc được hẳn ba viên như bố. Tôi chẳng sợ. Cùng lắm tôi nghỉ học đi bốc gạch. 

Nhưng chỉ làm một lúc là thấm mệt, lại ngồi thở, thở xong lại đứng dậy bốc tiếp. Nhưng ông thì không, vẫn cần mẫn làm việc, mỗi lần vẫn 3 viên. Ông nói rằng, một viên gạch bán 1.000 – 1.200 đồng, trừ đi các chi phí, tiền bốc gạch mỗi viên sẽ được trả 100 đồng. Nếu cứ bốc rồi nghỉ như vậy sẽ không đủ tiền cho chúng tôi đi học. Tôi im lặng, hôm sau, tôi nói với ông rằng: “Con muốn đi học”.

Năm tôi gần cuối lớp 11, bố đi viện, bị cắt 3/4 dạ dày. Sau đó, người ta phát hiện, có một khối u trong đó. Kết quả báo về là ung thư. Các bác sĩ nói sức khỏe bố tôi quá yếu, không thể xạ trị, bệnh viện trả về. Bố giấu, cứ nghĩ chúng tôi không biết nhưng thực ra, tôi đã biết từ trước đó. Chúng tôi đều im lặng.

Rồi tôi vào Đại học. Rồi tôi vào Sài Gòn lập nghiệp.

3.

Bố tôi là một người rất trọng lời hứa. Nếu ông đã hứa cho tôi đi chơi thì chắc chắn hôm đó tôi sẽ được đi chơi. Ông hứa mua cho tôi bộ quần áo mới thì chắc chắn tôi sẽ có quần áo mới.

Thi thoảng tôi ước mình mãi mãi là đứa trẻ. Ảnh minh họa.

Lần duy nhất bố nói dối tôi là cách đây ba năm, chỉ 6 tháng sau ngày tôi vào Sài Gòn lập nghiệp, ông phải nhập viện trở lại. Bác sĩ la sao bố không ở nhà luôn, đã ung thư còn viêm loét nặng vậy..., bố bảo "nhà làm nhiều ruộng, vợ sức khỏe không được tốt, để cô ấy một mình gặt hái bố không  yên tâm". 

Lúc tôi về thăm ông dặn tôi rằng cứ yên tâm vào Sài Gòn làm việc, lần này ra viện, ông sẽ về sửa lại cái nhà. Ông bảo để mai mốt có thằng rể về cũng không dám khinh thường con gái bố. Ông còn khoe với tôi rằng: “Con gái yên tâm, nhà mình 4 đứa đi học nhưng không nợ tiền ai. Bố mua rồi, bố mua cho con gái chỉ vàng, mai mốt làm của hồi môn cho con gái”.

Nhưng cuối cùng, ông thất hứa. Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất ông thất hứa. 7 năm chiến đấu với bệnh tật, chắc ông đã mệt.

Năm đó tôi 23 tuổi, bố tôi 50 tuổi. Năm nay, tôi 26 tuổi, mộ ông đã xanh cỏ… 

Tôi và em gái đã ra trường, đều đã có công việc với thu nhập khá. Chúng tôi có thể mua nhiều món ăn ngon, sửa lại căn nhà dột nát năm xưa, nhưng bố tôi không còn nữa.

Tôi không có thói quen hối tiếc những điều đã qua.

Nhưng...

Thi thoảng, tôi ước, giá như ngày đó tôi không vào Sài Gòn.

Thi thoảng, tôi ước, tôi chỉ là đứa trẻ, mãi chỉ là đứa trẻ, gật gù trên lưng bố.

“Mai mốt bố già, T nhà mình nặng, mần răng bố cõng được hịnh?” “Thì con cõng bố, nha bố...”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm