Mang tết đến với trẻ mồ côi

1. Sáng sớm, khi bộ phận hành chính của Trung tâm Nuôi dưỡng, Bảo trợ trẻ em Gò Vấp chưa làm việc, một phụ nữ đã đến xin bảo vệ cho vào chơi với các cháu. Vừa thấy chị vào, mấy em nhỏ đến níu tay rủ đi chơi cầu trượt, chơi yoyo, bập bênh… Chị nói hằng ngày mình dạy trẻ tự kỷ ở lớp Ánh Sáng, quận Bình Thạnh, nay tranh thủ ngày nghỉ đến bày trò chơi cho mấy em vui.

Vài phút sau, một phụ nữ tóc bạc cùng với bốn thanh niên ôm quà khệ nệ bước vào. Hỏi, bà chỉ tay vào những thanh niên nói mình là dì Hai của mấy đứa nhỏ. Mấy ngày qua, các thành viên trong nhà góp tiền lại rồi phân công nhau đi mua gạo, đường, sữa, áo quần trẻ em mang đến đây. “Đưa chúng nó đi cho nó biết đời còn nhiều người bất hạnh cô à. Năm nay làm ăn có khó khăn hơn mọi năm nhưng càng khó khăn mình càng phải nhìn xuống, mình khó một thì những người nghèo họ khó mười” - bà nói.

Một người đàn ông quẹt mồ hôi hối hả rinh những thùng thuốc tân dược vào cổng. Anh cho biết tháng trước có một chị ở trung tâm dược của một quận liên hệ với anh để xin thuốc cho mấy đứa trẻ mồ côi. Tuần rồi, trên đường đi làm, anh ghé trung tâm Gò Vấp khảo sát xem các em cần những loại thuốc gì, chụp ảnh về cuộc sống của các em rồi đi vận động anh em làm trong ngành dược, không ngờ được nhiều người hưởng ứng. “Mong sao trong khó khăn nhưng mọi người ai cũng có tết” - anh nói nhanh rồi vội về lo việc nhà.

Cuốn sổ vàng của trung tâm bữa nay lại tiếp nhận một dòng chữ: “Tặng các cháu bữa ăn trưa: 2.616.000 đồng”. Dòng chữ run rẩy quen thuộc này do cụ Phú, ở ngã ba Ông Tạ đến gửi cho trung tâm hằng tháng. Cụ bảo đây là số tiền của người bạn ở nước ngoài gửi về nhờ mang đi giúp cho mấy đứa nhỏ. Người ấy cũng không khá giả gì, chỉ là muốn chia sẻ chút tấm lòng với những đứa trẻ bất hạnh.

Mang tết đến với trẻ mồ côi ảnh 1

Các cô giáo ở Trường Ngô Sỹ Liên đến tặng quà, bồng bế, vui chơi với các bé mồ côi. Ảnh: TM

Trong số những người đến thăm có nhiều đôi vợ chồng trẻ. Có gia đình có con nhỏ không biết gửi cho ai nên bồng đi luôn, khi vừa đến nơi thì bé ngủ mê mệt nên không thể bồng lên thăm trẻ, họ đành tặng gạo, sữa cho trung tâm rồi hẹn dịp khác sẽ quay lại. Chiếc xe chở gạo đỗ xịch ngay cổng. Anh chở gạo cho biết có một gia đình mua gạo rồi nhờ anh chuyển đến. Những ngày cuối năm, anh bán gạo chạy hơn ngày thường, trong đó có nhiều gia đình mua gạo để đi làm từ thiện.

2. Trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 200 trẻ bị bỏ rơi, hơn 80% các em bị khuyết tật. Các bảo mẫu ở đây luôn bận bịu vì trong thời khóa biểu có lịch tập vận động cho trẻ. Thương trẻ thiếu tình mẫu tử nên các nhân viên ở đây bù đắp hết lòng. Cô bảo mẫu Nhung sau nhiều năm gắn bó ở trung tâm, dù đã nghỉ hưu nhưng hai năm nay cô xin được hằng ngày đến đây làm bảo mẫu không lương. Những trẻ của cô đã trưởng thành tết năm nào cũng rủ nhau đến nhà thăm má Nhung. Cô Phụng, nguyên Phó Giám đốc trung tâm, nhiều năm nay đã nhận nuôi tại nhà một trẻ bị khuyết tật nặng dù bác sĩ bảo thời gian sống của bé không dài. Nay thì nhờ sự chăm sóc ân cần như một người mẹ, bé đã khỏe hơn nhiều và đang là học sinh cấp hai. Những tấm lòng của nhân viên và cán bộ trung tâm dù có rộng lớn bao nhiêu cũng không thể làm ấm lòng hết các trẻ mồ côi tại đây. Các em cần tình thương của cộng đồng, ít ra là một bờ vai, một vòng tay trong những ngày cận tết. Một bảo mẫu cho biết có vẻ như mỗi khi thấy trung tâm trang trí mai vàng là các em biết sẽ có tết, có nhiều người đến thăm nên các em chộn rộn hơn, thao thức hơn về đêm.

Ở lại chơi lâu nhất với các em trong buổi sáng 23 tháng Chạp có lẽ là các cô giáo Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Tân Bình). Năm nào các giáo viên của trường cũng đi chia tết cho người bất hạnh, năm ngoái ở Củ Chi, Long Thành, năm nay ở Gò Vấp. Vào phòng nào các chị cũng nán lại chơi lâu, bồng bế ôm ấp các trẻ. Bế cháu Quang trên tay, mọi người đi cả rồi nhưng chị Nhân vẫn chưa muốn đặt cháu xuống. Quang cứ nằm tựa đầu vào vai, tay bấu chặt và dứ dứ mặt vào cổ chị như đã quen nhau từ lâu lắm. Phải khó khăn lắm các bảo mẫu mới gỡ Quang ra khỏi tay chị Nhân. “Tội, bé thiếu tình thương cha mẹ vì bị bỏ rơi từ nhỏ nên thèm hơi người vậy đó, cô à! Vì trẻ đông, phần nhiều là bị khuyết tật vận động nên các cô bảo mẫu lo chăm sóc, tập luyện cho các bé là chính chứ không có thời gian để bồng bế suốt được” - chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc trung tâm, nói. Tôi quay sang hỏi một em: “Tết này con thèm gì nhất?”. Em sà vào lòng tôi, bẽn lẽn nói: “Thèm ôm!”.

Đảm bảo mọi người đều có tết

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã ký ban hành văn bản chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các ban, ngành của địa phương chuẩn bị tết Nguyên đán năm 2013 cho các đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, đối với các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn, nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội (người cao tuổi neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa...), các gia đình thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số... có nguy cơ thiếu đói trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ và giáp hạt đầu năm 2013 cần có phương án trợ giúp kịp thời để đảm bảo mọi người dân, mọi gia đình đều có tết.

______________________________________________

Sáng qua, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã dẫn đầu đoàn đến thăm và tặng quà tết cho bốn cụ tròn 100 tuổi ở Củ Chi. Nhân dịp xuân về, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chúc các cụ sống vui khỏe tuổi già, tiếp tục nêu gương tốt cho con cháu.

Những ngày qua, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm và chúc tết người nghèo, công nhân, những người ở các trung tâm bảo trợ xã hội của TP. Dịp này, Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đã tổ chức họp mặt và đón tết cổ truyền sớm cho 500 gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và tặng mỗi gia đình một phần quà 600.000 đồng.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm