“Giấc mơ” có thật
Câu chuyện hai người bạn đưa nhau ra tòa, bắt nguồn từ tờ vé số trúng độc đắc. Anh L.T. D (sinh năm 1991) là nguyên đơn khởi kiện người bạn mình là Đ.V. H (sinh năm 1992) cùng ngụ tại xã Vũ Hòa (Đức Linh, Bình Thuận). Cả hai chơi chung từ thuở nhỏ. Một hôm tình cờ trong giấc ngủ D. mơ thấy có người cho anh con chim bồ câu. Sáng ra, D. mang câu chuyện này kể với H. khi cùng đi uống cà phê với nhau.
Chưa dứt câu chuyện có một người bán vé số dạo đi vào tới bàn mời mua vé số. H. hỏi người bán vé số: “Con chim số mấy?”, được người bán trả lời 21 và 61. Người bán vé số đưa cho H. 2 tờ: 1 tờ của Tiền Giang số: 377021 và 1 tờ của đài Lâm Đồng số cuối 61. Do lúc nãy trả tiền cà phê nên H. chỉ còn 8.000 đồng, thấy vậy D. đưa thêm cho H. thêm 12.000 đồng để trả tiền vé số. Đến chiều, tờ vé số của tỉnh Tiền Giang bất ngờ trúng giải độc đắc 1,5 tỷ đồng. H. mừng quýnh và vui vẻ báo cho D. biết.
Sáng hôm sau D., H. và vợ H. đến đại lý vé đổi thưởng, sau khi trừ thuế còn 1.350.000.000 đồng. Khi nhận thưởng trên giấy tờ H. là người đứng tên. H. đưa cho D. số tiền 100.000.000 đồng, đồng thời giúp một số người một ít tiền để chia sẻ niềm vui. Mọi chuyện tưởng như êm xuôi, nhưng khoảng gần 10 ngày sau, D. tìm H. buộc phải đưa thêm số tiền 500.000.000 đồng. Vì trong quá trình H. mua vé số có phần tiền của D. đóng góp. D. gởi đơn kiện người bạn mình ra tòa.
Không có căn cứ để đòi tiền
Tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân huyện Đức Linh, Hội đồng xét xử nhận định tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là tờ vé số trúng giải độc đắc. Nguyên đơn là D. cho rằng có góp 12.000 đồng và H. góp 8.000 đồng để mua chung 2 tờ vé số. Nhưng phía bị đơn, H. khẳng định đã bỏ 18.000 đồng, còn D. chỉ đưa 2.000 đồng. Đây là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (theo điều 214 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Nhưng trong quá trình thụ lý, toàn bộ lời khai của những người làm chứng như người bán vé số, chủ quán cà phê đều thể hiện lời khai của nguyên đơn không có cơ sở. Cụ thể, tại thời điểm đi đổi vé số trúng thưởng cũng có mặt D., mà khi đó D. không có tranh chấp gì. Và bản thân trên tờ vé số trúng thưởng cũng có tên và số chứng minh nhân dân của H. Đây là căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của H.
Tuy nhiên, luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, cho rằng: “.là người nằm mơ, là người đề xuất H. mua vé số, cũng là người có đưa tiền cho H. mua vé số, đi nhận thưởng cùng nhau, nhận 100.000.000 đồng từ H. và H. nói sẽ đưa tiếp....”. Nhưng, viện dẫn này của luật sư bị bác bỏ, vì không có chứng cứ thuyết phục, chứng minh nguyên đơn của mình là hợp lý. Đồng thời, tòa đã bác yêu cầu đòi 500.000.000 đồng tiền vé số trúng thưởng của D. Ấm ức, D. tiếp tục kháng cáo. Song phiên xét xử gần nhất của Hội đồng xét xử vẫn y án bởi lẽ nguyên đơn không có thêm chứng cứ chứng minh được những đòi hỏi của mình đúng quy định của pháp luật.
H. đột nhiên có được khoản tiền nhờ giấc mơ của người bạn thân từ thuở nhỏ. Có một điều rất dễ nhận thấy sau 2 phiên xử, đôi bạn thời còn khó khăn đã không còn đi chung.
Theo Q.Nhân (Bình Thuận Online)