Đến năm 30 tuổi thì anh tôi cưới vợ. Chị dâu nết na, thảo hiền, được mẹ chồng rất thương quý dù bà có tiếng là khó tính.
Anh chị có một nữ thần nhỏ, khi cháu được bốn tuổi, đi đến đâu cũng được mọi người nhận xét đó là sự pha trộn hoàn hảo giữa vẻ thanh tú của mẹ và nét cương nghị của ba. Tính nết cháu thì cực kỳ hiếu động, nghịch phá đến nhức đầu nhưng trước khi đi ngủ thì luôn tự nguyện chấp hành nội quy gia đình một cách vui vẻ. Đó là hát bài Cả nhà thương nhau rồi đặt lên má mỗi người một nụ hôn.
Lần ấy trời mưa tầm tã, anh đi làm về, vừa mở cửa đã giật mình nghe tiếng khóc thảm thiết của con gái. Chạy vội lên, anh thấy mặt mũi bé tái nhợt, đầm đìa nước mắt, hai bàn tay nắm chặt vào nhau mà chị thì không thấy đâu.
Bế con lên dỗ cật lực, mãi sau bé mới mếu máo kể rằng lúc luồn tay khều con búp bê bị rơi dưới gầm bàn thì chạm phải ổ cắm điện. Bị điện giật, bé kịp rụt lại nhưng người bật ra và đầu va vào tường.
Anh hỏi mẹ đâu, bé nói mẹ dặn con ở nhà một mình tí xíu để mẹ chạy ra chợ mua đồ cho bữa tối.
Ảnh: Internet
Xót con, giận vợ, anh gọi điện thoại trách chị không biết lo cho sự an toàn của con. “Nhịn đói một bữa thì có sao! Con bị điện giật đấy! Em có phải là người mẹ không?” - anh mắng rồi ném bừa cái điện thoại lên bàn, mặc cho liên tiếp những hồi chuông gọi lại dồn dập.
Không gọi được cho anh, chị dâu tôi hốt hoảng chạy về. Trời chưa hết mưa, xe chị vấp phải vũng nước sâu, ngã ra đúng lúc chiếc xe tải lao lên. Chị không bao giờ về với hai cha con nữa...
Suốt đám tang, anh không khóc, chỉ lặng lẽ ôm con rồi ngồi thẫn thờ như người mất hồn.
Giờ thì cháu tôi đã sắp bước vào lớp 2, đã sớm biết nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa và giặt đồ cho ba. Anh tôi trở nên thâm trầm từ lúc nào không hay, chưa tới 40 tuổi mà đã rất nhiều tóc trắng. Cha con anh vẫn lụi cụi sống trong căn nhà vắng tiếng cười và bàn tay người phụ nữ lo toan. Nhiều lần mẹ tôi xót, từ đánh tiếng đến đặt vấn đề thẳng là anh nên đi thêm bước nữa.
Mẹ bảo nỗi đau cũng đã có thời gian để nguôi ngoai, anh nên mở lòng ra một chút, chú ý tới những người phụ nữ phù hợp với mình. Điều này vừa là để tâm hồn bớt cô quạnh lại có thể giúp bé Thúy có tình thương và sự phát triển một cách đầy đủ hơn.
Mỗi lần như thế anh chỉ im lặng hoặc cười trừ, hoặc xoa tay lên đầu con gái rồi nhìn lên di ảnh chị.
Nhưng cháu tôi thì phản ứng mạnh mẽ. Không biết từ bao giờ mà cháu có thái độ thù địch với mọi phụ nữ nói chuyện với ba, phản ứng một cách cực đoan, không cần biết ba đang trao đổi công việc với đồng nghiệp hay giao tiếp bạn bè. Mỗi khi anh tôi có khách là nữ, nếu ở nhà, cháu sẽ bằng mọi cách len vào ngồi trong lòng ba rồi nhìn chăm chăm vào người đối diện…
Tuần vừa rồi, nghe bà nội lại nhắc tới chuyện tìm dâu mới, cháu nghe được chạy từ trong bếp ra nói: "Nội đừng làm khó ba con nữa. Con và ba không muốn có dì đâu".
Mẹ tôi mắng trẻ con biết gì mà xen vào, bảo rằng nội muốn tốt cho hai ba con. Ba con là con của nội, phải nghe lời nội... Rồi mẹ tôi đuổi cháu đi ra, cháu không chịu ra, bị nội mắng thêm vài câu nữa.
Cháu tôi òa khóc chạy lại ôm lấy chân anh tôi như sợ sắp mất đi điều quý giá nhất. Rồi nó đột nhiên gọi “Mẹ ơi!”. Lần đầu tiên tôi chứng kiến anh mình quỳ sụp xuống ôm lấy con nghẹn ngào, rồi hai cha con cùng khóc, khóc nức nở. “Ba thương con, ba thương mẹ con. Ba chỉ muốn một mình nuôi con…”.
Kể từ khi hai anh em lớn lên, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh tôi khóc. Rồi ngày qua ngày, thỉnh thoảng trong status trên Facebook, anh tôi viết: "Hôm nay là ngày thứ... tôi mất đi người yêu dấu nhất", "Vì con gái, ba sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau", "Có một nỗi cô đơn cùng cực"...
Tôi biết rằng trong thời gian rất lâu nữa, có thể là đến hết cuộc đời, sẽ không ai có thể thay thế được chị dâu tôi trong lòng anh.