Miền Trung: Khắc phục thiệt hại do lũ, ứng phó với bão số 6

(PLO)- Các tỉnh miền Trung vừa lo khắc phục hậu quả của lũ vừa lo ứng phó với triều cường và bão số 6 sắp vào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-10, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục huy động máy móc, nhân công tiến hành khắc phục các điểm sạt lở trên bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Ngành GTVT TP Đà Nẵng đã huy động 100% lực lượng đi rà soát hiện trạng các tuyến đường đang khai thác, triển khai công tác khắc phục, cảnh báo giao thông và phối hợp với các lực lượng chức năng khác thông tuyến tạm thời.

Lực lượng chức năng khắc phục sạt lở ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NGÔ QUANG

Lực lượng chức năng khắc phục sạt lở ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NGÔ QUANG

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay: “Mưa lớn đã gây sạt lở 21 điểm tại bán đảo Sơn Trà, trong đó có 19 vị trí taluy dương, hai vị trí taluy âm. Đến nay, cơ bản đã thông tuyến bước 1. Chúng tôi cũng cắt cử người túc trực để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại. Hiện còn hơn 10 điểm sạt lở nặng, việc khắc phục sạt lở còn lâu dài, lực lượng chức năng sẽ cố gắng hoàn thành công tác khắc phục sớm nhất”.

Chiều 17-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết đã họp và chỉ đạo bước đầu các ngành chức năng liên quan tập trung khắc phục thiệt hại sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn.

Sáng 17-10, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, lãnh đạo Sở Xây dựng cùng chính quyền địa phương đã lên kiểm tra thực tế tình hình sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn.

Người dân lên nghĩa trang Hòa Sơn tìm kiếm mộ người thân. Ảnh: TẤN VIỆT

Người dân lên nghĩa trang Hòa Sơn tìm kiếm mộ người thân. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Nam cho hay lãnh đạo TP giao Bộ Chỉ huy Quân sự TP phối hợp với Sở Xây dựng, huyện Hòa Vang tham mưu phương án khắc phục sạt lở. “Đất đá sạt lở phải có phương án thu gom, làm lại kè đá. Bây giờ phải báo cho người dân đến cùng với lực lượng chức năng xác định mồ mả. Đây là việc làm không ai mong muốn cả” - ông Nam nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho hay hiện chưa thể thống kê chính xác được số lượng mồ mả bị vùi lấp vì khối lượng đất đá tràn xuống rất lớn. Xã Hòa Sơn sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra cụ thể và có thông tin chính thức trong ngày 18-10.

Tám người chết do ảnh hưởng mưa lũ

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cập nhật đến 17 giờ ngày 17-10, số người chết do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất lại tăng lên, đưa tổng số người thiệt mạng là tám người, trong đó TP Đà Nẵng: Bốn người, tỉnh Quảng Nam: Một người, tỉnh Thừa Thiên-Huế: Hai người, tỉnh Quảng Trị: Một người.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong thời gian xảy ra lũ không có người chết. Sau lũ có hai người chết do bất cẩn, tai nạn đi lại sau lũ và bốn người bị thương. Mưa lũ khiến một căn nhà bị sập do sạt lở đất, hai căn nhà bị đất đá lùa vào làm hư hỏng.

Do nước sông lên cao và ngập úng bởi cường suất mưa lớn gây ngập cho nhà cửa, cao điểm ước tính có khoảng 19.918 căn nhà bị ngập, với độ sâu 0,3-0,8 m tùy từng vùng và khu vực. Đến ngày 17-10 còn khoảng 3.920 nhà bị ngập.

Tại tỉnh Quảng Trị,mưa lũ khiến một người (thị xã Quảng Trị) chết, hai người (huyện Hải Lăng) bị thương.

Có 1.690 hộ bị ngập với mức ngập 0,3-1 m (huyện Hải Lăng: 917 hộ, huyện Triệu Phong: 159 hộ, huyện Đakrông: 127 hộ, thị xã Quảng Trị: 487 hộ), có ba nhà (thị xã Quảng Trị: Một nhà, huyện Triệu Phong: Hai nhà) bị tốc mái và ba nhà ở thị xã Quảng Trị bị sập.

Tại tỉnh Quảng Bình,ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, xác nhận bảy hộ dân của xã này vừa “mất trắng” hơn 32 tấn cá lóc gần đến ngày thu hoạch do nước lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại khoảng 1,6 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm