Ngày 3 – 11, UBND TP.HCM đã gửi báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Tây Ninh có ý kiến về phạm vi và quy mô dự án mở rộng Quốc lộ 22. Hiện tại, đã có 4 nhà đầu tư gửi hồ sơ xin đầu tư mở rộng Quốc lộ 22. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án này từ 6.500 – 9.500 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư – BOT.
Theo đó, cả bốn nhà đầu tư đều đề xuất mở rộng Quốc lộ 22, đoạn qua TP.HCM lên 60m. Còn đoạn qua tỉnh Tây Ninh sẽ nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước theo bề rộng đường hiện hữu.
Quốc lộ 22 sẽ được mở rộng lên 60m
Ở một số nút giao và mở rộng cầu, các nhà đầu tư đề xuất quy mô khác nhau nên tổng mức đầu tư cũng khác nhau. Theo đề xuất của các nhà đầu tư, tổng mức đầu tư thấp nhất là 6.582 tỷ đồng và cao nhất là 9.505 tỷ đồng. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Tây Ninh cho ý kiến.
UBND TP.HCM cũng đề xuất xây dựng cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13,25m. Đối với cầu An Hạ, TP.HCM đề xuất mở rộng thêm 30m, các cầu còn lại giữ nguyên hiện trạng.
Cùng với việc mở rộng Quốc lộ 22, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư để xây dựng tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài, chạy song song với Quốc lộ 22. Sau khi hoàn thành, đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cùng với Quốc lộ 22, đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3 và 4 sẽ tạo thành các trục giao thông kết nối các tỉnh phía Nam và các nước trong khu vực ASEAN.
Quốc lộ 22 dài 58,25km đi qua địa bàn TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam.
Hiện Quốc lộ 22 đang trong tình trạng quá tải. Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22 được Thủ tướng Chính phủ giao cho TP.HCM mời gọi đầu tư và thực hiện theo hình thức BOT trong nhiều năm qua.