Sáng 7-10, UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Quy hoạch 1, Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM, cho biết Đồ án điều chỉnh lần thứ nhất quy hoạch chung, xây dựng TP.HCM đến năm 2020 đã mở màn cho việc chia tách và thành lập thêm năm quận mới.
Hàng loạt dự án, chương trình cụ thể cũng được phê duyệt. Nổi bật nhất là chương trình di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đến năm 2010, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần thứ 2 xác định phát triển TP.HCM theo hướng tập trung và đa cực. Trong đó, tập trung là cả khu vực nội thành với 13 quận, theo hướng hạn chế tăng dân số, xác định tầng cao phù hợp và giảm mật độ phù hợp.
Còn đa cực là bốn cực phát triển của bốn trung tâm cấp TP.HCM tại quận 7, 9, Bình Tân và Hóc Môn. Theo đó sẽ có bốn hướng phát triển là xa lộ Hà Nội, hành lang tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nối với khu đô thị Cảng Hiệp Phước, quốc lộ 22 và trục đường Nguyễn Văn Linh.
Song song đó, TP.HCM cũng chú trọng phát triển hệ thống các trung tâm đô thị. Ngoài khu trung tâm với vùng lõi 930 ha nằm ở quận 1, 3, 4, Bình Thạnh còn có Thủ Thiêm (737 ha), Nam Sài Gòn (2.975 ha), Hiệp Phước (3.900 ha), Tây Bắc (6.000 ha). Ngoài ra, TP.HCM còn có 11 dự án khu độ thị mới với quy mô từ 200 ha trở lên và 44 dự án khu dân cư, khu đô thị khác với tổng diện tích 23.370 ha.
TP.HCM vừa cho phép di dời các hộ dân sống trên và ven bờ Nam, kênh Đôi quận 8 để chỉnh trang đô thị
Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, để TP.HCM phát triển cần phải làm ngay năm việc. Thứ nhất là nên làm cho mục tiêu chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị tổng quan hơn, nhắm đến mục tiêu xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh.
Nhất quán trong các chính sách, đảm bảo phát triển đô thị nén với việc tập trung vào những nơi đã định hình đô thị. Hạn chế phát triển đô thị mới phân tán với mật độ thấp và phải giữ được vành đai xanh của TP.HCM. Thứ ba là gắn chương trình đột phá về giải quyết ùn tắc giao thông với chỉnh trang và phát triển đô thị bằng việc định hướng vận tải công cộng.
Phát triển Thủ Thiêm với sự gắn kết với khu trung tâm hiện hữu để đưa TP.HCM thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho cả vùng Nam bộ. Cuối cùng là phát triển vùng kinh tế Nam TP.HCM gắn với liên kết vùng để khai thông bế tắc trong liên kết vùng hiện nay.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation cho rằng chỉnh trang và phát triển là chương trình mới trong bảy đột phá mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM đưa ra. Mục tiêu của chương trình là tổ chức lại cuộc sống của người dân, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với dịch vụ công.
Tuy nhiên, các vấn đề biến đổi khí hậu do thiếu mảng xanh đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của TP.HCM. Tỉ lệ cây xanh của các nước trên thế giới đều rất cao. Chẳng hạn, Singapore 30,3 m2/người, Đức 50 m2/người, Hàn Quốc 41 m2/người, Pháp 25 m2/người. Trong khi đó, tỉ lệ cây xanh tại TP.HCM chỉ chưa tới 1 m2/người.
“Môi trường xanh, giải pháp kiến trúc xanh, kiên trúc bền vững phải là sự lựa chọn tất yếu để ứng phó với hiện trạng bê tông hóa đô thị như hiện nay. Đây cũng là giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải nhà kính và giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân” - bà Mẫu nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong những năm qua, TP.HCM tập trung nguồn vốn để chỉnh trang và phát triển đô thị, di dời nhà ở ven kênh rạch, xây dựng mới các chung cư cũ.
Đồng thời, thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới, nhà ở xã hội. Năm nay, ngành xây dựng đang tập trung thực hiện nghị quyết Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị. Đến năm 2020, di dời toàn bộ 20.000 người dân đang sống trên ven kênh rạch, thay thế và xây mới 50% chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Để hoàn thành mục tiêu trên, TP.HCM phải có những giải pháp kịp thời và sự đồng thuận của nhân dân.
“Phải đẩy mạnh sự phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trong công tác chỉnh trang đô thị. Áp dụng cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhằm tạo vốn, thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng. Thực hiện các biện pháp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh” - ông Phong nói.