Mỗi công nhân là 1 lá chắn của công ty trước dịch COVID-19

Bình Dương có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ nhiều tỉnh, thành hoạt động trong 41 khu, cụm công nghiệp. Địa phương này còn là nơi giao thương nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào doanh nghiệp rất lớn.

Vì điều này mà Bình Dương đặc biệt chú trọng phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là trong công nhân, các khu công nghiệp (KCN).

Giám sát chặt, yêu cầu tuân thủ 5K

Để chủ động phòng chống dịch và không để lây lan nhanh khi dịch bệnh bùng phát trong công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các công ty đẩy mạnh việc tuyên truyền trong công nhân.

Theo chị Nguyễn Thu Ngân (làm việc tại KCN VSIP 1), thời gian gần đây, chị về thẳng phòng trọ khi hết thời gian làm ở công ty, hạn chế tiếp xúc với người khác. “Tôi nghĩ đơn giản, không may mình bị nhiễm thì cả công ty phải ngừng sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và nhiều người khác” - chị Ngân nói.

Cùng với việc nâng cao ý thức cho công nhân tự phòng dịch, các công ty cũng đã chủ động siết chặt việc quản lý công nhân.

Các công ty siết chặt quản lý công nhân, yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm quy định 5K. Ảnh: LÊ ÁNH

Công ty cổ phần Sao Việt nằm trong KCN Đồng An (TP Thuận An, Bình Dương) có hơn 4.000 công nhân nên siết việc phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Sao Việt, cho biết ngoài việc tuyên truyền, giám sát chặt chẽ công nhân thì phía công ty cũng yêu cầu toàn bộ công nhân thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Công ty cũng chủ động mua các thiệt bị đo thân nhiệt, xây dựng các vách ngăn trong khu nhà ăn để phục vụ phòng dịch.

Công ty thực hiện việc chia ca làm việc, ăn uống để không tập trung quá đông công nhân cùng một lúc. “Công nhân và công ty ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc phòng dịch nên tất cả tự giác thực hiện” - ông Yên nói.

Ông cũng cho biết công ty cũng đã chuẩn bị các phương án xử lý tình huống nếu không may công ty có công nhân nhiễm bệnh để khi xảy ra sẽ khoanh vùng, truy vết nhanh nhất... mà không ảnh hưởng đến khu vực sản xuất khác.

Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, hầu hết công nhân và lãnh đạo công ty đã ý thức được tính chất nghiêm trọng khi công nhân bị nhiễm bệnh. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ty, ảnh hưởng đến đời sống của người công nhân.

Theo bà Loan, hiện có một số công ty đã có công nhân bị nhiễm nhưng các ngành chức năng cũng đã kịp thời khoanh vùng, truy vết và tạm thời cắt đứt được nguồn lây. “Điều này có sự phối hợp rất tốt từ các công nhân và lãnh đạo các công ty. Thành trì bảo vệ tốt nhất của các công ty, của KCN vẫn là ý thức chủ động của từng công nhân...” - bà Loan nói.

Tổ an toàn COVID-9, giám sát chặt chẽ

Bình Dương cũng thành lập các tổ an toàn COVID-19 trong công ty và trong cộng đồng để giám sát công nhân, nắm bắt thông tin của từng người, quá trình di chuyển... nhằm xác định được nguồn lây khi công nhân bị nhiễm bệnh.

Các tổ này còn tuyên truyền, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, chủ động xử lý bước đầu khi có công nhân nhiễm bệnh, không để lây nhiễm chéo khi cơ quan chức năng chưa có mặt.

“Đến thời điểm hiện tại, hầu hết công đoàn công ty do liên đoàn phụ trách đã thành lập tổ an toàn COVID-19 trong từng dây chuyền sản xuất” - bà Loan nói.

Ngoài ra, ở mỗi địa phương cũng thành lập tổ an toàn COVID-19 cộng đồng để giám sát người dân ở địa phương cũng như công nhân sinh sống trên địa bàn.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, cũng cho biết đang đề nghị UBND tỉnh, nếu công ty nào có F0 thì phải xét nghiệm 100% công nhân của công ty đó. Ngoài ra, phải xét nghiệm những người ở gần nơi ở của công nhân nhiễm bệnh để nhanh chóng khoanh vùng, cắt đứt nguồn lây.

“Hiện tại, chúng tôi đã thành lập 100 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các công ty. Từ ba đến năm ngày, chúng tôi sẽ luân phiên kiểm tra tất cả công ty trong các KCN để giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các công ty không sử dụng lao động thời vụ, vì đây là nhóm người không được giám sát kỹ nên có nguy cơ nhiễm bệnh và có thể lây lan rất cao” - ông Trí nói.

43.432 người ở Bình Dương đã được tiêm vaccine

Tính từ đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-5 đến 26-6), tỉnh Bình Dương ghi nhận 221 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có chín ca trong các KCN.

Từ ngày 14-6 đến nay, dịch bệnh xảy ra tại một số công ty nằm đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân, do đó mức độ lây lan nhanh.

Qua điều tra dịch tễ, đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại Bình Dương cho thấy những ca bệnh này được phát hiện tập trung chủ yếu ở tám ổ dịch có nguồn lây từ các ổ dịch tại TP.HCM với biến chủng virus Ấn Độ.

Bình Dương hiện có 34 cơ sở cách ly tập trung với 10.000 giường sẵn sàng tiếp nhận cách ly ngay và thực tế đang cách ly tập trung cho 3.000 trường hợp F1. Tỉnh đang mở rộng lên 20.000 giường, nâng lên 30.000 giường khi có nhu cầu.

Bình Dương cũng đã tổ chức tiêm vaccine trong ba đợt cho 43.432 người, trong đó đã tiêm mũi 1 là 41.343 người, mũi 2 là 2.090 người thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm