Mới nhích vài trăm tiền lương đã phải nộp thuế thu nhập

(PLO)- Chuyên gia cho rằng khi tăng lương cũng cần xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ ngày 1-7, mức lương cơ sở hằng tháng đối với những người làm công ăn lương là cán bộ, công chức, viên chức tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Tăng lương là điều đáng vui mừng của nhiều người dân nhưng thực tế vẫn còn nhiều nỗi lo khi mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng tăng lên.

Nhiều người dân lo lắng việc tăng lương đồng nghĩa với việc nộp thuế thu nhập cá nhân cao hơn. Ảnh: Q.HUY

Nhiều người dân lo lắng việc tăng lương đồng nghĩa với việc nộp thuế thu nhập cá nhân cao hơn. Ảnh: Q.HUY

Lương tăng, thuế tăng

TS Tuấn Kiệt (giảng viên một trường ĐH ở TP.HCM) cho biết hệ số lương của ông hiện là 6,92 nhân với mức lương cơ sở cũ là 1,49 triệu đồng thì tương đương 10,3 triệu đồng/tháng. Nếu nhân với mức lương cơ sở mới (1,8 triệu đồng/tháng) thì từ tháng 7 này, ông tăng thêm 2,2 triệu đồng/tháng (tức gần 12,5 triệu đồng/tháng).

Theo ông Kiệt, ngoài mức lương cơ sở trên thì thu nhập thực lãnh mỗi tháng cộng thêm nhiều khoản như tiền dạy, tiền vượt giờ, nghiên cứu, phụ cấp trách nhiệm là khoảng 35 triệu đồng/tháng.

Mỗi tháng ông Kiệt được giảm trừ khi tính thuế TNCN là 15,4 triệu đồng/tháng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng/người/tháng và con là người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng). Như vậy, khoản thu nhập phải nộp thuế TNCN của ông Kiệt là 19,6 triệu đồng/tháng rơi vào bậc 4 theo biểu tính thuế TNCN cho phần thu nhập tính thuế 18-32 triệu đồng/tháng với mức thuế suất 20%. Tính ra mỗi tháng ông Kiệt phải đóng số tiền thuế hơn 3,9 triệu đồng.

“Trước khi tăng lương cơ sở thì khoản thu nhập tính thuế của tôi dưới 18 triệu đồng/tháng, chỉ đóng mức thuế suất 15% là khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Tính ra lương cơ sở tăng nhưng tiền thuế TNCN cũng tăng thêm” - ông Kiệt chia sẻ.

Chuyên gia đánh giá mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN là quá lạc hậu so với thu nhập và chi tiêu hiện nay, đặc biệt là người dân ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Anh Quốc Hào (quận Gò Vấp, TP.HCM) là viên chức tại một đơn vị sự nghiệp công lập cho biết mức lương cơ bản của anh khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập thực lãnh gấp ba lần vào khoảng 18 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1-7, khi mức lương cơ sở tăng thì mức lương cơ bản của anh mỗi tháng tăng lên gần 7 triệu đồng/tháng, thu nhập của anh Hào cũng đồng nghĩa tăng lên khoảng 21 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, anh Hào cho biết vừa mừng được tăng lương nhưng buồn là bị xếp vào nhóm phải chịu thuế suất cao hơn. Cụ thể, với mức thu nhập cũ là 18 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ cá nhân và một người phụ thuộc, tổng cộng 15,4 triệu đồng/tháng thì khoản thu nhập tính thuế vào khoảng 3,6 triệu đồng. Dưới mức 5 triệu đồng/tháng nên chỉ đóng thuế suất 5%.

Thế nhưng khi thu nhập tăng lên 21 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ không thay đổi là 15,4 triệu đồng/tháng thì khoản thu nhập tính thuế của anh Hào tăng lên 5,6 triệu đồng/tháng. Dù không nhiều nhưng khoản thu nhập tính thuế rơi vào nhóm thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng và phải chịu mức thuế suất cao hơn là 10%.

Theo trang phân tích dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống Numbeo (thời điểm tháng 7-2023), TP.HCM đang là đô thị có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất Việt Nam.

Một gia đình bốn người ở TP.HCM, chi phí sinh hoạt khoảng 44,3 triệu đồng/tháng (không tính tiền thuê nhà). Một người độc thân có mức chi phí sinh hoạt khoảng 12,5 triệu đồng. Còn ở Hà Hội, chi phí sinh hoạt của một gia đình bốn người khoảng 41,6 triệu đồng/tháng (không tính tiền thuê nhà). Một người độc thân có chi phí khoảng 11,8 triệu đồng.

Phải nâng mức giảm trừ gia cảnh

Theo chị Ánh Tuyết (huyện Hóc Môn, TP.HCM), tăng lương mà không nâng mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế và người phụ thuộc thì cũng như không. “Mức giảm trừ người phụ thuộc là con cái, ba mẹ lớn tuổi mà giữ nguyên 4,4 triệu đồng/người/tháng trong 10 năm qua thì không phù hợp. Trong khi hiện nay các dịch vụ, học phí, viện phí… đều tăng cao rồi” - chị Tuyết nói.

Theo luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, mức lương cơ sở tăng là điều đáng mừng đối với những người làm công ăn lương. Tuy nhiên, hiện các bậc thuế trong biểu thuế TNCN của Luật Thuế TNCN của Việt Nam lại quá dày, sát nhau nên khi lương nhích lên vài trăm ngàn đồng/tháng thì người làm công ăn lương dễ bị nhảy lên bậc thuế cao hơn.

“Mức độ giãn cách giữa các bậc thấp còn quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế, làm tăng số thuế phải nộp. Nếu quy định quá nhiều nhóm chịu thuế sẽ làm công tác quản lý phức tạp và tạo kẽ hở cho việc trốn thuế… Đồng thời sẽ có những người trước đây không phải nộp thuế TNCN thì đợt này khi lương cơ sở tăng họ phải nộp thuế” - ông Xoa nói.

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng quy định biểu thuế TNCN lũy tiến với bảy bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao đang trở thành một áp lực rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát giá cả hàng hóa.

Theo TS Điền, khi tăng lương cũng cần xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN là quá lạc hậu so với thu nhập và chi tiêu hiện nay, đặc biệt là người dân ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Ông Điền cho rằng cơ quan chức năng cần thay đổi cách tính mức giảm trừ gia cảnh theo phương án tính mức giảm trừ theo lương tối thiểu vùng. Ví dụ, tính mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế gấp năm lần mức lương tối thiểu vùng. Từ đó, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc cũng tăng lên.

“Lấy lương tối thiểu vùng làm căn cứ tính sẽ hợp lý vì mức lương tối thiểu vùng tương ứng với từng khu vực tỉnh, thành, phù hợp với mức sống của người dân khu vực đó” - TS Điền góp ý.•

Thu thuế thu nhập từ tiền lương tăng 10%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số thu thuế TNCN nửa đầu năm 2023 giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 86.900 tỉ đồng. Riêng TP.HCM, số thu thuế TNCN nửa đầu năm nay cũng ghi nhận giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm 2022, xuống khoảng 30.900 tỉ đồng.

Nguyên nhân là do thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán giảm sâu, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và các khoản khác chưa đủ bù đắp được.

Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2023, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công tăng 2.100 tỉ đồng, tương ứng tăng gần 10% so với cùng kỳ. Thuế TNCN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 205 tỉ đồng (tăng 25%) và thu từ hoạt động cho thuê tài sản tăng 227 tỉ đồng (tăng 53%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nửa đầu năm 2023, thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản giảm mạnh hơn 62% so với cùng kỳ (tương ứng giảm hơn 3.100 tỉ đồng), thuế TNCN từ chứng khoán sáu tháng qua cũng giảm 756 tỉ đồng (tương ứng giảm hơn 50% so với cùng kỳ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm