Hãng tin Financial Times (Anh) bình luận cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu đang báo hiệu “cái kết của một lý tưởng” ở châu lục này. Cuộc khủng hoảng này đang khiến các thành viên EU hành động trái ngược nhau và châm ngòi cho làn sóng chống đạo Hồi.
Gánh nặng biểu tượng đồng euro
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp cho đến nay vẫn là một dấu chấm hỏi lớn cho cả tương lai Athens và cả biểu tượng đồng euro vốn được xem là “mẫu mực” của một “siêu quốc gia”. Truyền thông phương Tây dẫn lời không ít các chuyên gia kinh tế phân tích trách nhiệm của Hy Lạp cũng như phần còn lại của EU. Sự dẫn dắt Hy Lạp vào khối đồng tiền chung EU khi nền kinh tế Athens còn kém xa mặt bằng chung của EU, sau đó là các chính sách cho vay thiếu giám sát ngay từ đầu của EU đối với Hy Lạp và cuối cùng là việc chi tiêu thiếu tính toán, “mượn nợ để trả nợ” của Hy Lạp khiến cả EU nói chung và Hy Lạp nói riêng đều lao đao.
Đến nay, sau khi Hy Lạp vừa mới huy động hơn 1 tỉ euro từ trái phiếu chính phủ, chuẩn bị bước vào giai đoạn nhận gói viện trợ thứ ba trong tiến trình xử lý khủng hoảng nợ công thì thuật ngữ “mượn nợ để trả nợ” dường như vẫn còn hiệu lực. Sự bất ổn và mất niềm tin vào Hy Lạp chưa cho phép nước này tăng trưởng nhờ vào đầu tư hay chi tiêu. Reuters dẫn lời cơ quan thống kê quốc gia Hy Lạp cho hay kinh tế Athens đã tăng trưởng 0,9% trong quý II-2015, cao hơn rất khiêm tốn so với mức ước tính ban đầu là 0,8% hồi tháng 8 vừa qua.
Câu hỏi lớn nhất là việc giảm nợ cho Hy Lạp sẽ được tiến hành ra sao? Nếu các cuộc khủng hoảng Hy Lạp vẫn là một chiếc vòng luẩn quẩn như suốt từ năm 2009 đến nay thì việc Athens rời khỏi Eurozone là điều không phải là không thể xảy ra. Kịch bản này càng trở nên báo động khi vấn đề tị nạn châu Á, châu Phi đổ dồn về Hy Lạp. Theo điều luật Dublin, người xin tị nạn phải đăng ký tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến và quốc gia này sẽ chịu trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu xin tị nạn. Thế nên Hy Lạp - một quốc gia ven biển và tiếp giáp với các quốc gia đang gặp chiến tranh - phải nhận một lượng lớn người tị nạn. Điều này khiến Athens càng thêm gánh nặng. Dù Đức và Ba Lan đã “phá lệ” Dublin nhưng số người tị nạn đến Hy Lạp vẫn liên tục tăng trong bối cảnh nước này đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn chưa tiến hành xong một cuộc bầu cử chính thức. Reuters hôm 7-9 bình luận vấn đề tị nạn có khả năng ảnh hưởng đến các giá trị nền tảng của liên minh của EU, đồng thời làm suy giảm đồng thuận trong cải cách khu vực đồng euro cũng như các giải pháp nhằm xóa nợ cho Hy Lạp.
Tuyệt vọng khi bị ép rời khỏi chuyến tàu đi từ Budapest (Hungary) đến Vienna (Áo), người chồng đã đẩy vợ và con mình nằm giữa đường ray xe lửa. Cảnh sát chống bạo động đã phải dùng vũ lực để bắt giữ người tị nạn này. Ảnh: REUTERS
Nếu vấn đề tị nạn không được EU giải quyết một cách ổn thỏa, khối EU trở nên bất hòa thì hệ lụy đối với một biểu tượng đồng euro thống nhất là không nhỏ. Không ít cảnh báo nếu Hy Lạp có “trục trặc” buộc phải rời Eurozone thì biểu tượng euro cũng sụp đổ theo.
“Cái kết của một lý tưởng?”
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, châu Âu từng bước vào một kỷ nguyên đi lại tự do nhất trong lịch sử khu vực kể từ trước Thế chiến thứ nhất. Với đỉnh cao là hiệp định Schengen, thiết lập một khu vực di chuyển không cần hộ chiếu bao gồm 26 quốc gia thành viên, những đường biên giới tưởng chừng đã được xóa nhòa, với những tháp canh biên phòng không còn vẻ đe dọa chết chóc của chiến tranh.
Thế nhưng thành quả sau gần nửa thế kỷ hội nhập châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị xét lại. Những hàng rào thép gai đang được dựng lên trên toàn châu Âu nhằm ngăn dòng thác người tị nạn ùa vào lãnh thổ. Chính phủ Hungary đã lên kế hoạch xây dựng hàng rào dây kẽm gai dài gần 175 km, cao 4 m, trải dài khắp biên giới phía nam để kiểm soát người tị nạn. Chính phủ của ông Holland đang nhờ London giúp tăng kiểm soát hàng rào tại Calais (Pháp), ngăn người tị nạn đi lậu xe qua đường hầm eo biển Manche vào nước Anh.
Loay hoay và bất lực trước làn sóng người tị nạn, các quốc gia Đông Âu đã quay sang đổ lỗi cho sự dễ dãi trong chính sách nhận người nhập cư của nhiều quốc gia. János Lázár, trợ lý của Thủ tướng Hungary ông Viktor Orbán, cho rằng: “Chính những chính sách trong vòng 10 năm qua đã tạo nên tình cảnh hiện nay. Bất kỳ ai cũng có thể được cho phép bước chân vào lãnh thổ EU… Chúng ta không thể tự bảo vệ được biên giới của chính mình”. Sự mâu thuẫn giữa Tây Âu và Đông Âu về thịnh vượng kinh tế và trách nhiệm đóng góp đang dần bị nới rộng dưới sức ép của cuộc khủng hoảng.
Với sự hồi sinh của những bức tường và hàng rào biên giới, bình luận trên tờ DW (Đức), cây bút Zoran Arbutina đã phải thốt lên nỗi lo sợ châu Âu đang dần trở lại “thời Trung cổ”. Cùng với sự mọc lên của những rào cản, châu Âu đang tự phản bội những chuẩn mực của chính mình. Tờ DW bình luận nếu như mỗi căn nhà của châu Âu trở thành một “pháo đài” sẽ không chỉ những người đang tìm cách bước chân vào châu Âu phải gánh chịu hậu quả. Những người phía bên trong hàng rào - những công dân hợp pháp của châu Âu - cũng tự biến mình thành tù nhân của nỗi sợ hãi. Sự khép kín và ngoảnh mặt đi trước cái chết của người tị nạn sẽ là liều thuốc tăng lực cho những nhóm cực đoan cánh hữu, chủ nghĩa xô-vanh và kỳ thị sắc tộc đang nhen nhóm trong khu vực.
Gánh nặng kinh tế-xã hội?
Theo kho dữ liệu thông tin người tị nạn, mỗi một người xin tị nạn sẽ được chính quyền Anh hỗ trợ gần 58 USD/tuần, tại Pháp là 89 USD/tuần, còn tại Đức và Thụy Điển là khoảng 55 USD/tuần. Đó là chưa tính đến những phí tổn phải chi trả trong tương lai khi các quốc gia châu Âu bắt đầu tái định cư người tị nạn hoặc trả họ về nước. Do đó nỗi lo sợ gánh nặng về kinh tế đối với phát sinh từ cuộc khủng hoảng người tị nạn không phải là không đáng lo ngại.
Ngay cả nước Đức, quốc gia tích cực nhất trong việc chào đón người nhập cư, cũng đang cân nhắc điều chỉnh lại các phúc lợi mà mình sẽ hỗ trợ. Theo Astrid Ziebarth, chuyên viên nghiên cứu về người nhập cư thuộc quỹ German Marshall Fund, 50% đối tượng được khảo sát tại Đức đang lo ngại chính quyền nước này bị quá tải trước dòng người tị nạn. Dự kiến trong năm 2015, nước này có khả năng sẽ phải tiếp nhận đến gần 800.000 người. Các phần tử cánh hữu cực đoan tại Đức cũng bắt đầu tấn công vào các khu trại tị nạn, cho thấy khả năng đảm bảo an ninh tại nước này đang bị thách thức nghiêm trọng. Theo The Guardian, chính quyền Đức đang bàn luận về việc thay hỗ trợ hiện kim bằng hỗ trợ hiện vật cho người tị nạn, xây dựng các cơ chế trục xuất nhanh hơn đối với những người nhập cư nào không thuộc diện người tị nạn, đưa ra quy định cấm người bị bác đơn tị nạn nộp lại đơn trong vòng ít nhất là năm năm…
Anh càng “xa lánh” khối EU? Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chối gia nhập kế hoạch tái phân bố người nhập cư của EU. Ông kiên quyết không cho người nhập cư vào chỉ đến khi áp lực từ truyền thông gây ra bởi bức ảnh bé trai Syria chết đuối bị trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc trang thu thập ý kiến người dân YouGov Peter Kellner cho biết khủng hoảng người tị nạn và nỗi lo lắng của công chúng Anh về người nhập cư không kiểm soát từ các quốc gia EU đã làm tăng khả năng Anh sẽ càng xa rời các hợp tác với EU. “Một tư tưởng chủ đạo đang hình thành trong công chúng: Đó là nước Anh đang chìm ngập trong các đợt di dân mới và EU phải chịu trách nhiệm cho điều này” - YouGov Peter Kellner viết trong một bình luận trên tạp chí Prospect. |