Một số người nghỉ hưu, chuyển công tác, Đoàn Chủ tịch Mặt trận cần bầu bổ sung ủy viên

(PLO)- Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân là để tiến hành phản ánh, giám sát kịp thời các vấn đề.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-12, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 15, khóa IX khai mạc.

Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho hay hội nghị lần này sẽ xem xét quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam.

Ba nội dung chủ yếu gồm: Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Thứ hai là ban hành Kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Thứ ba là hiệp thương cử bổ sung thay thế Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX theo Tờ trình của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

“Do yêu cầu công tác và thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua có một số Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch nghỉ hưu hoặc thay đổi vị trí công tác.

Theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam, đề nghị các đồng chí xem xét Tờ trình của Ban Thường trực căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, hiệp thương thống nhất để bổ sung thay thế Ủy viên Ủy ban và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của công tác Mặt trận” - ông Chiến phát biểu.

Ông Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: QUANG VINH

Ông Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: QUANG VINH

Ông Chiến cũng tin tưởng với tinh thần dân chủ, chân thành, đồng thuận, Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung công việc đã đề ra.

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu sơ lược tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và nhấn mạnh đến việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân.

Theo ông Châu, việc thực hiện liên thông giữa tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng với lắng nghe, nắm bắt ý kiến tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để tiến hành phản ánh, giám sát là rất kịp thời. Các công tác khác, các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận tiến hành tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Cùng với đó, công tác tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; công tác giám sát, phản biện xã hội tiếp tục được triển khai ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

Ông Lê Tiến Châu trình bày báo cáo cho hay: công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng thực chất, hiệu quả. Ảnh: QUANG VINH

Ông Lê Tiến Châu trình bày báo cáo cho hay: công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng thực chất, hiệu quả. Ảnh: QUANG VINH

Công tác nội bộ của Mặt trận cũng được triển khai nghiêm túc, bảo đảm quy định. Đặc biệt, công tác phối hợp với Nhà nước ngày càng chặt chẽ, thực chất. Trong phần lớn các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, an sinh xã hội, các hoạt động giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đều mời đại diện Mặt trận tham dự.

Sau khi trình bày tổng kết các hoạt động cụ thể của Mặt trận, ông Châu cho hay một trong những nội dung Mặt trận sẽ tiến hành trong năm 2023 là sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 403/2017của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Ngày mai, 27-12, Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 7, khóa IX sẽ được tiến hành để quyết định các vấn đề mà Đoàn Chủ tịch hôm nay thảo luận, cho ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm