Một số tỉnh chưa 'học thuộc' hướng dẫn chống dịch, tạo 'ngăn sông cấm chợ'

Trao đổi với PLO, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã cho biết như trên. Theo ông Hải, dường như một số tỉnh có vẻ chưa nghiên cứu các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để áp dụng đúng hướng dẫn mà Bộ Y tế đã đưa ra, như vậy sẽ vô tình tạo ra tình trạng "ngăn sông cấm chợ" mà chúng ta đã thấy ở một số địa phương.

Quyết định gấp gáp, hậu quả bất cập

. Phóng viên: Ngày 4-6, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản hỏa tốc về việc cách ly những người từ TP.HCM về Đồng Nai để ngăn chặn dịch lây lan. Sau đó ngày 5-6, tỉnh này đã nới lỏng quy định trên nhưng cũng đã khiến doanh nghiệp, người dân một phen náo loạn, thậm chí thiệt hại. Quan điểm của ông thế nào trước quyết định này của tỉnh?

+ Ông Trần Thanh Hải: Việc UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu cách ly đối với những người từ TP.HCM về có thể hiểu đây là những biện pháp áp dụng với mong muốn ngăn chặn dịch bệnh.

Chốt kiểm dịch ở cửa ngõ Đồng Nai với TP.HCM sáng 5-6. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tuy nhiên việc đưa ra những biện pháp có phần gấp gáp, đặc biệt là tác động rất lớn tới hoạt động kinh tế và đời sống người dân của cả hai địa phương thì có thể dẫn đến những hậu quả bất cập.

Đặc biệt là việc yêu cầu người từ TP.HCM trở về phải cách ly 21 ngày sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn, vì lượng người qua lại giữa hai địa phương rất lớn, lượng người của địa phương này làm việc tại địa phương kia cũng rất đông.

Trong đó có cả những người làm việc trong lĩnh vực logistics như lái xe, giao nhận... nếu như phải chịu quy định cách ly thì sẽ gây ra cản trở, ách tắc, ứ đọng hàng hóa lưu thông giữa hai thành phố.

. Từ quyết định này của tỉnh Đồng Nai, người dân sẽ nhớ ngay tới trường hợp của Hải Dương và Hải Phòng trước đó. Chính phủ luôn nhấn mạnh đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 nhưng không "ngăn sông cấm chợ", nhưng có phải các tỉnh đang hiểu sai, làm sai, vô tình tạo ra sự ngăn sông cấm chợ hay không?

+ Qua hơn một năm rưỡi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta, chúng ta thấy kinh nghiệm chống dịch ở các địa phương cũng khác nhau. Thực tế thì hoạt động chống dịch ở trong những bối cảnh cụ thể, các địa phương thường đặt ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân.

Nhưng việc chống dịch phải đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm, khoanh vùng, đặc biệt là hạn chế áp dụng những biện pháp một cách cứng nhắc có thể gây tác động xấu cho hoạt động của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội.

Ở đây chúng ta thấy biện pháp hạn chế người qua lại là kiểm tra bằng những công cụ đã cho phép như test nhanh… giúp giảm thiểu được tác động đối với đời sống và hoạt động kinh tế. Các tỉnh có vẻ chưa nghiên cứu để áp dụng đúng hướng dẫn mà Bộ Y tế đã đưa ra, như vậy sẽ vô tình tạo ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” mà chúng ta đang thấy ở một số địa phương.

Chống dịch bình tĩnh, tỉnh táo

. Hiện nay nhiều tỉnh thành đang tăng cường kiểm soát (như cách ly người) và phương tiện đến từ TP.HCM, nếu các tỉnh có quyết định cứng nhắc thì hậu quả sẽ ra sao? Qua câu chuyện của Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai,... ông có đánh giá như thế nào?

+ Hiện nay Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 đã có thông báo mới nhất và nhắc lại yêu cầu các tỉnh phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là chống dịch một cách “bình tĩnh, tỉnh táo”, áp dụng một cách sáng tạo các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội cũng như sinh kế của người dân.

Vì vậy việc nhiều tỉnh đang tăng cường kiểm soát người và phương tiện từ TP.HCM, điều đó là phù hợp, nhưng nếu áp dụng biện pháp cứng nhắc ở quy mô lớn, áp dụng tràn lan thì sẽ gây ra hậu quả đến xã hội rất lớn.

Bài học rút ra từ những biện pháp đã áp dụng tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, các tỉnh cần có điều chỉnh phù hợp với thực tế của địa phương cũng như cấp độ dịch ở tại địa phương để chúng ta đưa ra biện pháp phòng chống dịch kịp thời, và luôn luôn đặt yếu tố tác động đến kinh tế xã hội để xem xét áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

. Xin cảm ơn ông.

Cách ly đúng đối tượng, không được “ngăn sông cấm chợ”

 

Trước tình trạng một số nơi áp dụng những biện pháp phòng chống dịch một cách cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn, chiều 5-6, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg.

Tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất…, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.

Các tỉnh chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hoá, vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ vùng đang có dịch.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hoá giữa địa phương có dịch và các địa phương khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm