Năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển lực lượng (TNXP) TP (28-3-1976 - 28-3-2016), chúng tôi đã có dịp gặp những nhân chứng sống của kháng chiến chống Mỹ: cô Bảy Phong, cô Sáu Lan, những cô gái TNXP kể về những ngày kháng chiến ở mật khu R, căn cứ địa cách mạng chiến khu bắc Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khi bước vào chiến trường các cô chỉ mới 15, 16, còn chưa đến đôi mươi nhưng vẫn không ngại xông pha đạn bom, đồng hành cùng bộ đội kháng chiến chống Mỹ, vì một nền hòa bình của dân tộc, của miền Nam ruột thịt.
Con gái cũng tải đạn, khiêng thương binh
Cô Bảy Phong, tên thật là Nguyễn Thị Quý (hiện ngụ tại quận 7, TP.HCM) đã đặt chân vào đơn vị TNXP C198 khi chỉ vừa 16 tuổi. Ngày ấy khi ký tên cho con gái đi tòng quân, má của cô Bảy kiên quyết: “Tôi giao đứa con thứ ba cho Đảng...” và thế là cô Bảy thoát ly gia đình để vào căn cứ miền Đông tham gia kháng chiến với vai trò là TNXP chuyên tải đạn, tải gạo, đào hầm, hào, cứu chữa thương binh, chôn cất tử sĩ,... phục vụ chiến đấu cho Trung đoàn 2, Sư đoàn 9.
Cô Bảy Phong là một nữ TNXP kiên cường của đơn vị C198. Ảnh: LÊ THOA
Trước mỗi trận đánh, đại đội của cô được chia nhỏ ra để đi với các đơn vị khác, có khi là đơn vị pháo binh, có khi là đơn vị bộ binh. “Công việc tuy có nặng nhọc nhưng nam làm được thì nữ cũng phải làm được, vác pháo, vác đạn cũng phải vác cho bằng được” - cô Bảy nói.
Những TNXP ra trận trên người chỉ có duy nhất hai vật là tấm nylon vắt ngang hông phòng khi trời mưa và chiếc võng cũng vắt ngang để mắc võng ngủ rừng hoặc dùng để khiêng thương binh, an táng tử sĩ. Trong các trận chiến đây là vật không thể thiếu của các chiến sĩ TNXP. Giữa hai dòng đạn lạc, phe địch và phe ta, các cô luôn là người chồm lên trước để khiêng các thương binh ra ngoài cứu chữa, khi trận chiến kết thúc, các cô cũng là người ở lại hằng đêm để tìm được hết các tử sĩ mang đi chôn cất với duy nhất một bộ quần áo. “Mỗi lần có chiến sĩ bị thương, phải dùng hết sức để kéo ra khỏi trận địa hoặc bỏ lên võng rồi hai người dùng đòn để khiêng ra, làm sao không để thương binh bị thương lần nữa dù phải dùng thân mình để làm tấm chắn” - cô Bảy kể.
Trong số thương binh cô Bảy từng khiêng có đồng chí Song Hà (Trung đoàn 2, Sư đoàn 9). Năm đó trong một trận chiến ở suối Bà Tươi (Tây Ninh), cô Bảy được tham gia với đơn vị C17. Đồng chí Song Hà bị địch bắn rơi xuống lúa, gãy xương đùi, cô Bảy Phong liền liều mình nhảy xuống lúa cùng để đưa đồng chí Hà lên nhưng lúc đó chỉ có võng mà không có cán để khiêng chú Hà lên, cô Bảy lại quá sức để cõng chú. Thế là cô nhờ thêm một nữ TNXP nữa, mỗi người túm một đầu võng để đưa đồng chí Hà đi chữa trị. Sau này, hòa bình lập lại, họ vẫn thường xuyên gặp nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm còn sống mãi ấy.
Chiến đấu cả khi tay không cầm súng
Trong những đồng đội của cô Bảy Phong, cô vẫn hay nhắc cô Sáu Lan – một nữ TNXP nhỏ nhắn của đơn vị C239 phục vụ chiến đấu cho Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 nhưng có thể tải đến hơn 300 kg gạo.
Cô Sáu Lan (tên thật là Lê Thanh Lan, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM) hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP TP.HCM. Sau nỗi đau cha mẹ bị giặc bắn chết, cô Sáu trở thành cô bé mồ côi và quyết tâm lên đường về chiến khu R, tham gia kháng chiến. “Lúc đó chỉ có một ý niệm là tham gia kháng chiến để trả thù cho cha mẹ thôi, sau này mới giác ngộ cách mạng thực sự. Lên Tỉnh đoàn tỉnh Cà Mau, người ta thấy cô nhỏ nhắn quá sợ không đủ sức đi, cô khóc lóc nhiều lắm nên mới được cho đi đấy” – cô Sáu kể.
Đối với lực lượng TNXP, ngoài nhiệm vụ tải đạn, tải gạo, tải thương,... còn phải biết chiến đấu trong tình huống khẩn cấp. Bản thân cũng luôn trong hoàn cảnh nguy hiểm chẳng thua kém gì các bộ đội.
Đến thời điểm bây giờ, cô Sáu Lan vẫn nhớ như in trận phục vụ quân đội ở núi Bà Đen (Tây Ninh), nhớ như in về hình ảnh của một nữ đồng đội - cô Hoàng Anh - nữ TNXP gan dạ dùng một trái lựu đạn chia với năm tên lính Mỹ và hy sinh oanh liệt.
“Lúc đang trên đường hành quân phục vụ cho bộ đội đánh trận núi Bà Đen thì bất ngờ bị Mỹ phục kích, các chị em lúc đó tay không phải phân chia lực lượng ra, tìm chỗ ẩn nấp. Tình huống lúc đó cô Hoàng Anh nấp dưới một luống đất thì bị địch phát hiện, họ xăm xăm đi tới. Tình huống khẩn cấp, Hoàng Anh đành chấp nhận hy sinh, cô đợi hết năm tên lính Mỹ rời xe tăng, tiến đến chỗ cô thì cô bật lựu đạn chia với năm tên lính ấy” – cô Sáu vẫn còn bàng hoàng khi nhắc lại chiến công đau thương ấy của đồng đội mình.
Mỗi khi nhắc đến đồng đội và các trận đánh, cô Sáu Lan không kiềm được nước mắt. Ảnh: LÊ THOA
Không chỉ có trận núi Bà Đen ấy, trận chiến năm Mậu Thân (1968) đánh tại Thủ Đức cũng là một trận đánh mà cô Sáu tưởng mình sẽ chết hoặc bị địch bắt sống. Sau khi chuyển thương binh về ấp 2, Bình Mỹ, cô Sáu cùng đồng đội tải đạn, gạo lên lại Thủ Đức thì đành phải ém quân tại một hầm Nhật ở Lái Thiêu, Bình Dương khi trời gần sáng vì sợ địch phát hiện nếu không kịp băng qua QL13 và một cánh đồng trống.
Cô Sáu nhớ lại: “Lúc đang ẩn nấp thì nghe tiếng xe tăng, pháo rền, trực thăng quần xéo, mọi người trong tình thế phải chịu trận dưới hầm, nếu bước lên đồng trống thì chỉ có đường chết. Trận đó mọi người vừa cố thủ, vừa đánh trả từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm, hy sinh hết năm đồng chí còn lại bị thương hết,...”.
Với cô Sáu và với nhiều TNXP của đơn vị C239 tham gia đánh trận “hầm Nhật” năm đó đều là một ký ức không bao giờ quên, là nỗi đau khi nhìn thấy đồng đội hy sinh, là những sợ hãi khi cận kề sống-chết. Để rồi “có những lúc nghĩ lại, cô không hiểu sao mình có thể vượt qua được” – cô Sáu khóc.