Mùa hè, cho con làm tình nguyện viên

(PLO)- Bảy ngày nói không với điện thoại, bảy ngày tự giác dậy sớm, phụ cha/mẹ tổ chức sinh hoạt và cùng cha/mẹ thực hiện các công việc “lần đầu tiên mới biết”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một chương trình tình nguyện độc đáo dành cho các tình nguyện viên (TNV) nhí 9-15 tuổi khiến các bạn thích mê, phụ huynh “phát cuồng”, tranh thủ đăng ký nhưng đã kín lịch, phải đợi năm sau.

Chương trình do nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Cứu hộ sinh vật (trung tâm) thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) tổ chức, từ tháng 6 đến hết tháng 8-2022.

Nụ cười chiến thắng của các tình nguyện viên nhí sau một ngày làm việc hăng say, vất vả. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Nụ cười chiến thắng của các tình nguyện viên nhí sau một ngày làm việc hăng say, vất vả. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Những chiến binh thực thụ

“Đây là bạn khỉ bị người ta bắt rồi bán cho những người đi phóng sinh. Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ và đưa về trung tâm để chăm sóc, tái thả bạn ấy về rừng. Chúng ta phải hiểu là không thể phóng sinh như vậy vì nếu phóng sinh các loài động vật hoang dã này là tiếp tay cho các đối tượng săn bắt trái phép. Thứ hai, động vật hoang dã có những đặc điểm sinh lý khác nhau, không phải cứ bắt rồi mang ra thả vào rừng là được” - chú Nguyễn Đức Trọng, nhân viên của trung tâm, hướng dẫn các bạn nhỏ.

Chú Nguyễn Đức Trọng đang hướng dẫn bạn Lê Khôi Nguyên cách cho em vượn đen má vàng ăn chuối. Ảnh: Kha Nhiên

Chú Nguyễn Đức Trọng đang hướng dẫn bạn Lê Khôi Nguyên cách cho em vượn đen má vàng ăn chuối. Ảnh: Kha Nhiên

Vừa hướng dẫn cho các TNV cách cho thú ăn, chú Trọng vừa giới thiệu cách nhận biết các loài động vật, tập tính của từng loài, con nào có thể đến gần, con nào không cũng như mỗi loài động vật cần chăm sóc và cho ăn những loại thức ăn gì.

Mỗi ngày, các gia đình sẽ chia làm ba nhóm, một nhóm rửa chuồng cho các loài khỉ, vượn, chồn, cầy mực... và cho các bạn ấy ăn, nhóm khác đi cắt cỏ cho hươu, nai và nhóm còn lại sẽ xay chuối, trộn thức ăn cho heo...

Có bạn sợ dơ vì bùn đất xen lẫn phân... heo, nai nhưng nhờ có đôi ủng thần kỳ nên đã vượt qua nỗi sợ, cho thú ăn một cách thuần thục.

Việc xịt rửa chuồng phải kỹ để tránh bẩn, các bạn thú sẽ bị bệnh. Ảnh: Kha Nhiên

Việc xịt rửa chuồng phải kỹ để tránh bẩn, các bạn thú sẽ bị bệnh. Ảnh: Kha Nhiên

Đồ ăn của các bạn thú toàn là hưu cơ: chôm chôm, chuối, đu đủ, rau xanh. Có bạn sợ dơ vì bùn đất xen lẫn phân ... heo, nai nhưng nhờ có đôi ủng thần kỳ mà các bạn đã vượt qua nỗi sợ, cho heo ăn một cách thuần thục. Ngay cả vò cơm trộn với bí đỏ cho các bạn thú, lúc đầu e ngại, sợ dính tay nhưng sau khi thử lại mê tít, chiều nào cũng “canh me” chú Trọng bê nồi cơm ra là tranh nhau làm.

Vào mỗi sáng các thứ Hai, Tư, Sáu, các bạn nhỏ còn tham gia chia sẻ những kiến thức về tiếng Anh và Tin học cho học sinh tiểu học ở địa phương.

Bé Gia Nhi đang bê các mảng cỏ, đưa về bờ hồ, tạo mảng xanh cho vườn. Ảnh: Lê Quyên

Bé Gia Nhi đang bê các mảng cỏ, đưa về bờ hồ, tạo mảng xanh cho vườn. Ảnh: Lê Quyên

Bé Vũ Lê Gia Nhi, Trường Tiểu học Âu Dương Lân, quận 8, tâm sự: “Chúng con chỉ làm việc có vài ngày thôi mà ai cũng mệt, thế mà các cô chú ở trung tâm ngày nào cũng làm những công việc này. Con hiểu được rằng hằng ngày các cô, các chú làm việc rất vất vả để các bạn thú được ở trong chuồng sạch sẽ, được ăn no, nhanh chóng khỏe mạnh rồi được thả về rừng. Con rất tự hào khi mình cũng đã góp phần giúp đỡ các cô, chú chăm sóc động vật và trồng chuối, trồng cỏ cho các bạn thú ăn”.

Bạn Lê Khôi Nguyên năm nay lên lớp 6 cho biết: “Tụi con đã đặt tên cho các bạn thú, như Cụt Đuôi, Sư Tử (là bạn khỉ mặt đỏ lúc nào cũng buồn hiu, lông bờm xờm), Tăng Động (bạn khỉ con bị bắt phóng sinh). Có một bạn tụi con đặt tên là Hy Vọng, đó là bạn khỉ đuôi lợn bị cụt một chân vì dính bẫy. Các cô, chú ở trung tâm sẽ phải chăm sóc bạn suốt đời vì bạn không thể về rừng được nữa. Tụi con mong là bạn sẽ luôn vui vẻ, yêu đời, dù bạn phá quá trời luôn”.

Còn với bạn Nguyễn Lê Hoàng Quý, năm nay lên lớp 8, tham gia nhiều hoạt động nhưng lại thích nhất là hướng dẫn tin học cho các em. “Các bạn ấy rất thân thiện và thông minh nên học rất nhanh. Chưa kể, cái cảm giác đứng trên bục giảng viết bài thật lạ, thật vui…, và vui nhất là có thêm những người bạn mới”.

Chuyến đi dài mang nhiều ý nghĩa và cảm xúc

“Sau thời gian dài nghỉ dịch, nhận thấy các con bị tù túng và ít có cơ hội để vận động cũng như giao tiếp với bạn bè, tôi quyết định gác lại công việc không tên nhưng chiếm nhiều thời gian để cùng con trai nhỏ có chuyến đi dài ngày làm tình nguyện viên tại Bù Gia Mập.

Hai cha con anh Sơn hướng dẫn các em học dinh tiểu học thực hành tin học. Ảnh: Kha Nhiên

Hai cha con anh Sơn hướng dẫn các em học dinh tiểu học thực hành tin học. Ảnh: Kha Nhiên

Vài ngày trước chuyến đi, con trai có nhiều lo lắng vì không biết phải làm thế nào với các bạn khỉ, hươu hay heo, hay phải dạy tin học và tiếng Anh cho các bạn nhỏ. Hơn nữa con là người thường có nhiều lo lắng và sợ dơ bẩn, ruồi muỗi, côn trùng, nên ba mẹ cũng mất nhiều thời gian động viên con.

Khi bước vào trung tâm, mọi lo lắng cho chuyến đi của tôi bay mất, nhưng con trai thì tang thêm phần lo lắng. Lo lắng không biết ngủ đâu, giăng mùng thế nào, mùng có vài lỗ rách liệu muỗi có vào cắn không...

Ngày đầu tiên bắt tay vào việc, con gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, đôi lúc rụt rè vì không biết phải làm thế nào. Nhưng nhờ sự hướng dẫn của các chú và sợ hồ hởi của các bạn trong nhóm, con cố gắng dần quen, tham gia vào công việc nhiều hơn, tự giác hơn và không còn sợ dơ, sợ côn trùng nhiều nữa", anh Nguyễn Văn Sơn, cha của em Quý, thành viên của nhóm 8, tâm sự.

Chuyến đi là bài học vô cùng quý giá, khó có thể tìm thấy cho con ở chốn thành thị và cả cho ba trong việc quyết tâm để con tự làm những việc con phải làm với lứa tuổi của con” - anh Nguyễn Văn Sơn

Còn chị Như Trần, thành viên nhóm 7 hào hứng: “Thật sự được làm tình nguyện viên ở đây là vinh hạnh và rất hạnh phúc. Các bạn nhỏ và cả người lớn mỗi ngày được hít thở một bầu không khí trong lành mà thành thị không thể nào kiếm được. Được làm những công việc như rửa chuồng, làm thức ăn rồi mang thức ăn cho các bạn thú ăn. Để qua đó các bạn thấy được tình yêu mà các cô chú ở vườn quốc gia Bù Gia Mập đã dành cho các bạn thú như thế nào, phải thật sự yêu thương thì mới có thể chăm sóc như vậy được. Một tuần không điện thoại, không vi tính, không ngủ trễ, thức dậy trễ. Thay vào đó là một tuần đầy niềm vui và ý nghĩa, 1 tuần làm việc hăng say mà không thấy chán”.

Nói về chương trình, ông Khương Hữu Thắng, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết: “Chương trình TNV hè được ban tổ chức xây dựng vào năm 2020, với mục đích ban đầu là để các cháu xa hoàn toàn tầm tay của cha mẹ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, chương trình phải ngưng đến mùa hè này. Và do mọi thứ thay đổi rất lớn nên ban tổ chức buộc phải để cha/mẹ đi kèm. Từ đây, sự lo lắng các con ỷ lại cha mẹ, cha mẹ xót con, không thể xây dựng tính kỷ luật với bản thân các con, hướng tới tập cho các con tính độc lập, tự giác... lại hình thành trong tôi.

Đến nay, đã là nhóm thứ tám, tôi thật sự thay đổi. Các nhóm đã hoàn thành xuất sắc chương trình đưa ra. Tôi thấy các con đã có sự lo lắng, có sự tự chuẩn bị và chủ động thực hiện một cách nghiêm túc với nhiệm vụ của mình. Đó là sự hình thành tính cách độc lập - tự giác và kỷ luật với bản thân. Những thành quả ở trên do đâu mà có? Đó chắc chắn là từ ba mẹ mà ra. Ba mẹ đã công bằng và nghiêm túc, cũng như khích lệ các con đúng nơi, đúng thời điểm.

Ông Khương Hữu Thắng đang hướng dẫn cho các TNV nhí tập tính của các loài, chuẩn bị cho chuyến đi rừng ban đêm. Ảnh: Kha Nhiên

Ông Khương Hữu Thắng đang hướng dẫn cho các TNV nhí tập tính của các loài, chuẩn bị cho chuyến đi rừng ban đêm. Ảnh: Kha Nhiên

Tôi rất tâm đắc quan điểm của các phụ huynh: Hãy để các con được trực tiếp cảm nhận những vất vả của lao động khi chúng ta vẫn còn có thể quan sát, theo dõi, hướng dẫn và bảo vệ từ phía xa. Vì chắc chắn chúng ta sẽ không mãi theo dõi, bảo vệ trực tiếp khi các con đã vào đời...”.

------------------

Niềm vui của các TNV khi kết thúc chương trình được ban tổ chứ trao giấy chứng nhận rất hoành tráng. Ảnh: Kha Nhiên

Niềm vui của các TNV khi kết thúc chương trình được ban tổ chứ trao giấy chứng nhận rất hoành tráng. Ảnh: Kha Nhiên

Tạm biệt đôi găng tay bám đầy cỏ, tạm biệt đôi ủng lấm lem bùn đất, các bạn nhỏ trở về phố thị, mang theo những câu chuyện đáng nhớ, những cảm xúc khó quên. Cảm ơn các bác, cô, chú đã yêu thương thật sự đối với các bạn nhỏ, cho các bạn bé được trải nghiệm một tuần đầy ý nghĩa, đầy kỷ niệm như vậy.

Tôi hạnh phúc vì dụ dỗ được bọn trẻ và cha mẹ chúng!

Hằng năm, cứ vào dịp nghỉ hè lại có hàng trăm đứa trẻ từ mọi miền đất nước đến tham gia các hoạt động TNV chăm sóc, bảo tồn động vật hoang dã và trồng rừng ở các khu bảo tồn và vườn quốc gia phía Nam.

Những hoạt động này không hề nhẹ với cả người lớn, còn đối với bọn trẻ từ lớp 3 đến lớp 10 quả thật là quá sức với các cháu. Những đứa trẻ tuổi ăn, tuổi học và tuổi ngủ để lớn. Sau một tuần lao động cực nhọc, nhiều cháu không thấy kêu than mà còn... xin đi tiếp!

Tôi thực sự hạnh phúc vì đã dụ dỗ thành công các gia đình và bọn trẻ vào con đường lao động miệt mài nhưng đầy ý nghĩa này”.

Ông PHÙNG MỸ TRUNG, người sáng lập nhóm Gia đình em
yêu thiên nhiên Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm