Mùng 1 tết người Tày rửa mặt bằng nước 'nàng tiên'

Từ bao đời nay, nước "nàng tiên" là một tập tục gắn liền với đời sống tâm linh của người dân tộc Tày. Cứ vào đêm giao thừa, người Tày sẽ ra giếng khơi để mang nước sớm về nhà. Sau đó, các gia đình sẽ dùng nước này để nấu nước "nàng tiên", dâng lên bàn thờ gia tiên để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ những người đã khuất.

rua-mat-ngay-tet-cua-nguoi-tay

Ngày tết người Tày thường chuẩn bị nước "nàng tiên" để kính dâng bàn thờ  gia tiên. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ông Đào Văn Mùi, một người cao niên ở Thái Nguyên, cho biết tập tục lấy nước "nàng tiên" đã có từ lâu, đã trở thành một điều không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về. 

Ông Mùi nói: “Tục lấy nước "nàng tiên", hay tiếng Tày gọi là “Pay au nặm” là lấy nước suối vào đầu mùng 1 tết của người Tày. Nguồn gốc thực sự của tục lấy nước này không biết có từ khi nào, chỉ biết từ ngày bé tôi đã theo các mẹ, các chị đi lấy nước ngày tết".

Ông Mùi cho biết sau khi lấy nước về, nước sẽ được đun với những loại lá có hương thơm như lá bưởi, lá sả, lá chanh... sau đó sẽ dâng lên bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng biết ơn. Người Tày gọi đó là nước "nàng tiên".

Sau đó, một phần nước khác sẽ được đun sôi để pha trà. Uống nước này vào đầu năm mới sẽ giúp thanh lọc cơ thể, tẩy rửa chất độc hại, điều không tốt còn lưu lại trong người suốt một năm qua.

Sau đó, nước "nàng tiên" sẽ được mọi người trong gia đình mang đi rửa mặt. Rửa mặt bằng nước này sẽ giúp lau sạch bụi bẩn, giúp cho con người tỉnh táo hơn, minh mẫn hơn và giúp họ thông minh hơn, sáng sủa hơn.

Còn nước này mang cho gia súc uống thì con vật sẽ mau ăn chóng lớn, giúp gia chủ phát đạt hơn trong năm mới.

Tuy nhiên, ngày nay cuốn theo vòng xoáy của đô thị hóa, các tập tục vẫn được người Tày phát huy, song các bước thực hiện cũng đã rút ngắn hơn trước. Đây cũng là một trong những điều tiếc nuối của người Tày mỗi độ tết đến xuân về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm