“Vướng mắc lớn nhất vẫn là tiền sử dụng đất. Nó vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp (DN), không minh bạch, tạo cơ chế xin cho. Nguồn thu ngân sách rất cần nhưng DN muốn nộp lại không dễ” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận xét như trên tại buổi họp với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) để đánh giá ba năm thực hiện Luật Đất đai 2014.
Ông Châu cho biết theo quy định mới của Luật Đất đai 2014, quy trình xác định tiền sử dụng đất phải nộp của DN phải thực hiện qua hai sở: Sở TN&MT xác định phương án giá đất và Sở Tài chính thẩm định giá đất, thời gian ít nhất 6-8 tháng mới xong. “Muốn xác định giá đất, Sở TN&MT phải tổ chức đấu thầu và chọn đơn vị thẩm định giá có chi phí thấp nhất. Từ đó dẫn đến tình trạng DN thẩm định đưa giá thấp nhất để được chọn nhưng sau đó làm tình làm tội DN chúng tôi” - ông Châu cho hay. Ông Châu cho biết có dự án ở khu Nam Sài Gòn, theo DN tính toán tiền sử dụng đất khoảng mười mấy tỉ đồng nhưng đơn vị thẩm định giá đưa con số 80 tỉ đồng. “Cuối cùng DN cũng nộp mười mấy tỉ đồng. Phải chăng có tình trạng chia đôi, chia ba để hưởng lợi?” - ông Châu đặt câu hỏi.
Theo ông Châu, quy trình xác định giá đất phải qua hai sở rất mất thời gian, DN phải đi 2-3 cửa. “Chúng tôi kiến nghị giao một đầu mối là Sở Tài chính chủ trì toàn bộ công tác thuê đơn vị xác định giá đất, trình Hội đồng Thẩm định TP xem xét” - ông góp ý. Ngoài ra, ông đề nghị cho DN được tham gia và có ý kiến tại cuộc họp của Sở Tài chính khi xem xét khấu trừ chi phí mặt bằng vào tiền sử dụng đất. “Thực tiễn, DN chỉ được trừ tối đa 20%-30% chi phí giải phóng mặt bằng thực tế” - ông nhận xét. Với đơn vị thẩm định giá, ông đề nghị bỏ tiêu chí “chào giá thấp nhất” được trúng thầu mà thay bằng cơ chế đấu thầu rộng rãi và chọn đơn vị có năng lực, có phương án xác định giá tối ưu.
Ông Châu cho biết để tạo điều kiện cho DN, lãnh đạo TP.HCM có chủ trương cho DN tạm nộp tiền sử dụng đất ngay khi có thông báo của Sở TN&MT để xin phép xây dựng. “Kiến nghị Bộ TN&MT có văn bản thống nhất chủ trương này để các tỉnh/thành thực hiện” - ông bày tỏ.
Tại buổi họp, Hiệp hội Bất động sản TP còn kiến nghị cần có cơ chế miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án nhà ở thương mại giá rẻ hoặc cho thuê giá rẻ. Theo ông, tại TP có những DN đầu tư dòng sản phẩm này và cho ra thị trường sản phẩm với giá tương đương hoặc còn thấp hơn nhà ở xã hội nhưng không được chính sách ưu đãi nào như dự án nhà ở xã hội. “Mặc dù Bộ Xây dựng đã nhiều lần bác nhưng chúng tôi kiên trì theo đuổi đề xuất này để khuyến khích, động viên các DN thực hiện dự án nhà giá thấp cho người dân” - ông cho hay.
Đại diện Cục Quản lý đất đai, ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng Cục trưởng, cho hay Cục ghi nhận các ý kiến của hiệp hội. “Những kiến nghị của hiệp hội sẽ được Tổng cục báo cáo, đề xuất với Bộ” - ông Lịch nói.