Muốn tăng phí, phải thuyết phục dân trước

Trước đó, từ tháng 12-2015, mức thu phí sử dụng đường bộ tại hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 tăng 3-4,5 lần. Từ ngày 1-4, VIDIFI tăng phí lên 2.000 đồng/km cho các xe qua đường cao tốc và tăng tới 50% phí lưu thông trên quốc lộ 5. UBND tỉnh Hải Dương cho rằng điều này gây khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tỉnh lộ 391 (vì xe dồn qua đi đường này để né trạm), ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân hai bên đường, làm hư hỏng nền, mặt đường.

Xét ở một góc độ toàn diện hơn, việc tăng phí làm chi phí vận tải, giá cả hàng hóa, chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng tăng lên. Cuối cùng người dân sẽ phải oằn lưng để cõng… “gánh nặng thuế phí” - vốn chưa bao giờ có xu hướng giảm. Kết quả là: Các phương tiện giao thông tìm cách né trạm, những con đường vốn không đáp ứng đủ tải trọng sẽ mau xuống cấp hơn. Và khi đó, chi phí duy tu, bảo dưỡng, thậm chí phải làm lại những con đường đó và cả những tai nạn xảy ra... sẽ là cái giá quá đắt cho việc tăng phí.

Việc “né trạm” của các tài xế, doanh nghiệp chính là biểu hiện của tâm lý đối phó, vốn thường xuất hiện khi các chính sách bất hợp lý. Chẳng biết việc tăng phí có làm cho ngân sách tăng lên không hay lại rơi vào túi một nhóm lợi ích nhưng việc phản kháng mức phí này rõ ràng là đang làm giảm đi động lực đóng góp của người dân và doanh nghiệp vào nền kinh tế.

Các câu hỏi vì sao phải tăng phí? Và việc tăng như vậy đã phù hợp chưa? Nó gây ra những tác động gì đối với các doanh nghiệp vận tải, tâm lý xã hội là gì?... nếu chưa được trả lời một cách thuyết phục và minh bạch thì sẽ rất khó để thực thi chính sách này.

Các phản ứng từ doanh nghiệp vận tải cho thấy chính sách trên đang gây ra những rối loạn cho xã hội, gây khó cho công tác quản lý của chính quyền địa phương và trực tiếp đe dọa đến chất lượng các công trình giao thông khác. Điều này buộc các cơ quan quản lý nhà nước (trong trường hợp này là Bộ GTVT và Bộ Tài chính) và đơn vị liên quan phải ngồi lại với nhau để đánh giá lại tác động của việc tăng phí này. Đồng thời giải trình, thuyết phục người dân, doanh nghiệp và đưa phí trở về mức hợp lý, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã từng phát biểu trong hội nghị về hải quan và thuế: “Thu thuế, phí phải thu được lòng dân”… Thiết nghĩ, quan điểm ấy cần phải được các nhà quản lý tiếp thu và vận hành một cách hiệu quả khi ra chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới