Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) về một cuộc chiến với “hậu quả nghiêm trọng toàn cầu” có thể xảy ra ở Biển Đông, hãng tin Reuters cho hay.
Phát biểu trong cuộc họp của HĐBA về an ninh hàng hải, ông Blinken bày tỏ lo ngại rằng “xung đột trên Biển Đông, hay ở bất kỳ đại dương nào, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng toàn cầu về an ninh và thương mại”.
Ông Blinken nói rằng thế giới đang chứng kiến những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa tàu thuyền các nước ở Biển Đông, cũng như “những hành động gây hấn nhằm thúc đẩy những yêu sách hàng hải phi pháp”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự Cuộc họp của HĐBA về Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: An ninh hàng hải. Ảnh: FLICKR
Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng Washington đã bày tỏ quan ngại trước các hành động “đe dọa và bắt nạt” ở Biển Đông và rằng Mỹ đã cùng các nước khác, gồm cả các bên tranh chấp ở Biển Đông, phản đối “những hành vi và yêu sách hàng hải phi pháp như vậy”.
Ông Blinken nhắc lại rằng đã 5 năm trôi qua kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện các yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc.
Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đây là một phán quyết có được sự đồng thuận và có tính ràng buộc pháp lý, “kiên quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền rộng lớn, phi pháp ở Biển Đông”.
Phía Mỹ nhắc lại lời kêu gọi các bên tuân thủ UNCLOS và nguyên tắc về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thể hiện sự bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia thành viên LHQ, đồng thời chỉ trích các hành vi “sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” đi ngược lại các nguyên tắc của LHQ.
Ông Blinken cho rằng những căng thẳng hiện tại ở Biển Đông là do “một quốc gia không phải đối mặt với hậu quả nào do sự phớt lờ các quy tắc trên”. Mỹ cảnh báo rằng thực tế này đang kích động các nước tin rằng họ sẽ không bị trừng phạt dù vi phạm luật pháp quốc tế và làm gia tăng “bất ổn ở khắp nơi”.
Suốt bài phát biểu, ông Blinken không trực tiếp nhắc tên Trung Quốc nhưng với các thông tin liên quan tới Biển Đông và hành xử của các bên, đây rõ ràng là lời cảnh báo LHQ về hành vi của Bắc Kinh.
Biển Đông là một điểm nóng về an ninh và thương mại toàn cầu khi đây là vùng biển giàu tài nguyên và là huyết mạch giao thương với hàng ngàn tỉ USD hàng hóa được vận chuyển qua lại mỗi năm.
Bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền phi pháp bao trọn gần như toàn bộ Biển Đông, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển khác. Việt Nam đã liên tục phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động bất hợp pháp này.
Đáp trả bài phát biểu của ông Blinken, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Đới Binh cho rằng “HĐBA không phải nơi thích hợp để thảo luận về vấn đề Biển Đông”, lặp lại lập trường của Bắc Kinh rằng Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và từng nước trong khu vực. Ông Đới “kiên quyết phản đối” việc ông Blinken nêu vấn đề Biển Đông trong phiên thảo luận của LHQ.
Thậm chí, phía Trung Quốc còn cáo buộc ngược lại rằng Mỹ mới là “mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định ở Biển Đông” khi liên tục đưa tàu chiến và máy bay tiến vào khu vực, “tùy tiện khiêu khích và công khai gây bất hòa giữa các nước trong khu vực”.