Hải quân Mỹ cho biết các đồng minh và đối tác của của Washington đã thể hiện sự quan tâm lớn tới các hoạt động chung diễn tập tác chiến chống ngầm để chuẩn bị cho các kịch bản đối phó Nga và Trung Quốc, hãng tin Sputnik hôm 5-7 cho hay.
Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Mike Gilday cho biết các đồng minh và đối tác của Washington có “sự quan tâm rất cao” đối với việc tăng cường nhiều hoạt động phối hợp, chẳng hạn như diễn tập tác chiến chống ngầm để đối phó “mối đe dọa đang gia tăng, không chỉ từ Nga mà cỏn từ Trung Quốc”.
Ông Gilday còn cho biết tần suất liên lạc giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác là rất dày, “ít nhất một lần mỗi tuần”, đồng thời thể hiện sự “hoan nghênh” của Mỹ đối với sự quan tâm của các đồng minh, đối tác.
Sự tập trung của Hải quân Mỹ vào hoạt động tác chiến chống ngầm đã giảm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, song đã gia tăng trở lại trong những năm gần đây với lý do được Lầu Năm Góc đưa ra là sự phát triển của các lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc và Nga.
Một trực thăng MH-60R Seahawk và tàu đổ bộ tấn công USS Wasp (Mỹ) tham gia diễn tập tác chiến chống ngầm ở bắc Đại Tây Dương hồi tháng 9-2020. Ảnh: US NAVY
Giới lãnh đạo hải quân Mỹ nói rằng thời gian gần đây, các tàu ngầm Nga - một số được cho là mang theo tên lửa hành trình tấn công mặt đất - đã hiện diện thường xuyên hơn gần đường bờ biển của Mỹ. Hải quân Nga đang có gần 60 tàu ngầm, bao gồm nhiều chiếc được đóng mới và được trang bị tên lửa đạn đạo, theo tờ Business Insider.
Trung Quốc cũng có 60 tàu ngầm, bao gồm sáu tàu chạy bằng nhiên liệu hạt nhân và bốn tàu mang tên lửa đạn đạo. Dù các tàu ngầm Trung Quốc bị đánh giá thua kém hơn khí tài tương tự của Mỹ, các tướng lĩnh ở Washington vẫn thường xuyên nêu lo ngại về hạm đội tàu ngầm của Bắc Kinh.
Trong nửa đầu năm 2021, hải quân Mỹ đã tổ chức diễn tập tác chiến chống ngầm chung với các lực lượng của Canada, Úc, Nhật, Singapore và Ấn Độ.
Ngoài ra, Na Uy, New Zealand, Hàn Quốc và mới nhất là Đức đã đặt hàng máy bay đa nhiệm P-8 Poseidon do tập đoàn Boeing (Mỹ) sản xuất. Ấn Độ, Úc và Anh đã mua và đưa vào biên chế loại máy bay có khả năng tác chiến chống ngầm mạnh mẽ này.
Bình luận của ông Gilday xuất hiện không lâu sau khi Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu một hoạt động diễn tập tác chiến chống ngầm thường niên ở vùng biển giữa Anh, Iceland và Na Uy - nơi các tàu ngầm Nga buộc phải đi qua nếu muốn tiến ra Đại Tây Dương. Cuộc tập trận sẽ kết thúc trong tuần này.
“Tác chiến chống tàu ngầm về bản chất là hoạt động đầy thách thức và đòi hỏi sự huấn luyện và phối hợp ở cấp rất cao giữa các đơn vị trên biển và trên không” - Chuẩn Đô đốc Rune Andersen, Tư lệnh Hải quân Na Uy, nói.